Góp phần để Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

13:39, 16/07/2012

Ngày 31-7-2009, Bộ Chính trị đã ra Thông báo Kết luận số 264-TB/TW về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (viết tắt là CVĐ). Qua 3 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, CVĐ này đã thu được những kết quả khả quan. Trong đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng...

Để làm tốt công tác tuyên truyền về CVĐ, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mỗi năm, Báo Thái Nguyên đã đăng tải hàng trăm tin, bài, ảnh phản ánh về CVĐ này trên báo in và báo điện tử; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát khoảng 150 tin, 60 phóng sự trên sóng truyền hình, 300 tin, 70 bài trên sóng phát thanh, ngoài ra còn dành thời lượng tuyên truyền trong các chương trình thời sự, các chuyên mục, chuyên đề. Qua đó góp phần quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân ở tỉnh ta quan tâm sử dụng hàng Việt Nam trong tiêu dùng hàng ngày.

 

Đối với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền Cuộc vận động này thông qua nhiều hình thức khác nhau, như cổ động trực quan; công tác tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên các cấp; hệ thống truyền thanh cơ sở. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên và nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt Nam; lồng ghép nội dung thực hiện CVĐ với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị và bình xét các danh hiệu thi đua của các tập thể, cá nhân...

 

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cũng mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm giá thành, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng. Các sở, ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc để làm tốt công tác cung ứng hàng hóa, mở rộng hoạt động tiếp thị, tạo điều kiện cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, có giá thấp hơn hoặc bằng giá thị trường ngay tại địa phương mình...

 

Từ thực tế có thể thấy điểm nhấn của Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” là đã tạo cơ hội cho các DN tiêu thụ hàng hóa ngay trên địa bàn tỉnh, đồng thời giới thiệu hình ảnh của đơn vị mình, tìm kiếm mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với đông đảo người tiêu dùng. Các nhóm hàng tham gia những phiên chợ kích cầu tiêu dùng ở vùng cao được người tiêu dùng mua nhiều gồm quần áo may sẵn, văn phòng phẩm, giày dép, hàng điện tử, bánh kẹo, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây…

 

Được biết, trong 3 năm qua, Sở Công Thương đã tổ chức các phiên chợ kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh với sự tham gia trực tiếp của gần 50 DN trong và ngoài tỉnh. Các phiên chợ bán hàng tại các huyện, thành, thị đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân. Các DN như: Siêu thị Minh Cầu, Viễn thông Thái Nguyên, Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thái Nguyên, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà… đã chủ động làm tốt công tác marketing, cung cấp số lượng lớn hàng hóa thiết yếu bảo đảm chất lượng đến với đồng bào các dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, xa. Nhiều DN đã ký được hợp đồng với đối tác (như: Viễn thông Thái Nguyên, Công ty CP May Mạnh Đức…). Công ty CP Sách và thiết bị trường học Thái Nguyên đã điều hành các chi nhánh tiếp tục đưa sách vở, thiết bị, đồ dùng học tập về các trường nhân dịp khai giảng năm học mới. Công ty TNHH Dịch vụ truyền thông và thương mại Việt Nam đang xây dựng chiến lược tiếp thị rộng rãi và sâu hơn sản phẩm mũ bảo hiểm đến các xã vùng cao thông qua các đợt hội chợ… 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh, như: Các chương trình đưa hàng Việt đến với người dân còn ít, có nơi chưa chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát việc thực hiện. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về CVĐ vẫn tập trung chủ yếu ở thành phố, thị xã, thị trấn, chưa làm tốt ở những xã vùng sâu, xa; chưa có nhiều tin, bài phản ánh sâu đậm; hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; còn thiếu đồng bộ về tài liệu cung cấp cho hệ thống báo cáo viên tuyên truyền miệng...

 

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là CVĐ có ý nghĩa thiết thực, lâu dài. Trong những năm tiếp theo, thiết nghĩ các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện CVĐ này; coi trọng cả về công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện của các ngành, cơ quan chức năng cũng như các DN. Điều quan trọng nữa là mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong việc tiêu dùng hàng trong nước, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tích cực tham gia hưởng ứng việc này...

 

Ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam chính là một trong những biểu hiện, hành động cụ thể thể hiện lòng yêu nước. Và, điều này càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm thị trường tiêu thụ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.