Nguy cơ giảm phát trong những tháng cuối năm

07:31, 12/07/2012

Chỉ số lạm phát 6 tháng đầu năm giảm do nhiều yếu tố ngoài mong muốn, kết quả không bền vững, thiếu các chiến lược ổn định kinh tế trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục thống kê) cho biết ngày 11/7, diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy sức mua trên thị trường thấp, tồn kho hàng hóa nhiều nên các yếu tố như điều chỉnh giá xăng dầu, tăng lương có tác động rất ít đến chỉ số giá tiêu dùng.

 

 

Lạm phát tự nhiên giảm?

 

Các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn đưa ra quan điểm rằng, bản chất lạm phát trong 6 tháng qua giảm không phải do kiềm chế lạm phát thấp khiến kinh tế khó khăn, mà ngược lại – do kinh tế khó khăn với những tác động không mong muốn đã dẫn đến lạm phát thấp. Nguyên nhân khó khăn của sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho nhiều đã gây áp lực giảm giá. Do tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cho sản xuất giảm khá mạnh làm cho giá cả thị trường giảm.

 

“Giảm được lạm phát bằng cách này rõ ràng là không bền vững, không mong muốn. Do nền kinh tế đang rơi vào trạng thái suy giảm nên các yếu tố không mong muốn trên đây chắc chắn sẽ còn tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường trong quý tới và cả năm 2012” – TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích.

 

Đến nay, thay vì e ngại lạm phát quá cao là sự lo ngại về nguy cơ giảm phát, đòi hỏi sự tỉnh táo của cơ quan điều hành hơn bất kỳ lúc nào khác. Bởi vì tháng 6 này, chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã xuống chạm đáy 38 tháng với mức âm 0,26% so với tháng 5/2012.

 

Ông Nguyễn Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa ra con số khảo sát, 80% người tiêu dùng đến siêu thị là để mua lương thực thực phẩm, doanh số bán lẻ của các siêu thị đều giảm từ 10% đến 20% với số lượt mua hàng giảm và giá trị trung bình của các giỏ hàng cũng giảm.

 

Ông Phú cũng nêu quan điểm, “rổ hàng hóa” tính CPI được Tổng cục thống kê thực hiện là chưa mang tính đại diện cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Theo đó, mức độ suy giảm tổng cầu và mức trượt giá thực tế là lớn hơn các con số báo cáo. Điểm đáng ngại được chuyên gia bán lẻ này chỉ ra là tổng cầu đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm và sẽ còn tiếp tục trong năm 2013.

 

Phải kích tiêu dùng để khơi thông nền kinh tế

 

Để “thổi” sức mua cho dân, theo ông Nguyễn Vinh Phú, Nhà nước cần giảm mức thuế TNDN hiện nay của các tổ chức, cá nhân kinh doanh từ 25% xuống khảng 15-18% trong 3-5 năm. Ở lĩnh vực bán lẻ, miễn hoàn toàn VAT 5% và 10% cho người tiêu dùng mua hàng ở các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc. Đó là ở thành thị, còn ở nông thôn thì sao? Để hàng hóa ở nông thôn tiêu thụ nhanh, tiêu thụ với giá hợp lý, người nuôi trồng, đánh bắt có lãi 20-30% thì phải thiết lập chuỗi sản xuất, phân phối đi từ sản xuất đến bán buôn, bán lẻ, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết.

 

Theo ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục ổn định, một phần quan trọng là do giá cả hàng hóa thế giới được dự báo sẽ không có nhiều biến động và duy trì ở mức thấp.

 

Nguồn cung hầu hết các loại hàng hóa được dự báo dồi dào. Tuy nhiên, ở mặt hàng thực phẩm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ xảy ra trong những tháng cuối năm khi mà tình trạng người dân bỏ chuồng trại ngày càng nhiều do thị trường tiêu thụ khó khăn, cộng với dịch heo tai xanh đang diễn biến phức tạp.

 

Giá cả hàng một số hàng hóa thiết yếu có xu hướng nhích lên do ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá điện trong tháng 7. Tuy nhiên, việc lãi suất, tỷ giá được dự báo ổn định nên giá cả hàng hóa chỉ có thể tăng nhẹ.

 

Mặc dù các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế, song làn sóng doanh nghiệp trong nước phá sản, dừng hoạt động và không nộp thuế sẽ tiếp tục gia tăng vì không chịu nổi chi phí vốn và sản xuất cao. Thực tế này dễ làm tăng áp lực thất nghiệp và an sinh xã hội, giảm thu nhập, sức mua trên thị trường… Đồng thời, thời gian tới vẫn tiềm tàng làn sóng tăng giá hàng thiết yếu như giá điện, sữa,  thực phẩm dành cho trẻ em; nước sinh hoạt ở nhiều đô thị lớn…

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát đã đề ra, theo ông Nguyễn Đức Thắng – Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) khẳng định, trong những tháng còn lại, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô là lạm phát cao trở lại. “Đẩy mạnh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm của CPI” – ông Thắng nhấn mạnh.

 

Điều quan trọng là, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đưa ra một nhận định khá lạc quan trong 6 tháng cuối năm: “Sức mua có thể sẽ khởi sắc hơn cùng với những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô”.

 

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, thanh khoản của ngân hàng đã khá lên, tổng dư nợ của nền kinh tế đã tăng trở lại, tỷ giá ổn định… Những tháng còn lại, nhà nước cần chú ý mức cung tiền và tăng trưởng tín dụng sao cho hợp lý, tránh tình trạng dồn ép vào những tháng cuối năm để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng nhưng có thể lại gây lạm phát trở lại.

 

Từ nay đến cuối năm, nhất là từ tháng 9 trở đi, nhu cầu mua sắm hàng hóa của DN và người dân sẽ tăng lên vì có các ngày lễ lớn, dịp tết… Nếu kinh tế phát triển khá, sản xuất ổn định, thu nhập tăng lên, chắc hắn sức mua sẽ cải thiện hơn./.