Dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá các loại thuốc thú y, thức ăn tăng cao khiến hầu hết các hộ chăn nuôi trong tỉnh thời gian qua không có lợi nhuận, cá biệt có thời điểm nuôi gia súc, gia cầm còn thua lỗ. Do vậy, ước vọng tìm được con vật nuôi đặc sản đem lại hiệu quả kinh tế cao đã, đang thôi thúc những nông dân có chí làm giàu…
Đây là điều rất đáng mừng vì một bộ phận nông dân trong tỉnh đã không chấp nhận đói nghèo, luôn tìm kiếm cơ hội làm giàu cho bản thân nhưng thức tế 10 năm trở lại đây, chúng tôi vẫn chưa điểm mặt được nhiều nông dân làm giàu bền vững từ các con vật nuôi đặc sản. Thời điểm năm 2006, đã có một số nông dân ở huyện Phổ Yên lặn lội vào tận các tỉnh miền trung “tầm sư học đạo” để đưa con hươu sao về nuôi lấy thịt, lấy nhung. Cứ tưởng con vật đặc sản chỉ ăn cỏ, lá cây này sẽ đổi đời cho nhiều hộ nông dân ở các xã miền Tây Phổ Yên nhưng cũng chỉ ít năm sau, con hươu sao không thể nhân rộng vì “bí” thị trường tiêu thụ. Tiếp đến là cá sấu được một số hộ nông dân trong tỉnh đưa vào chăn nuôi theo mô hình trang trại và báo chí đã có bài viết về một hộ nông dân ở T.X Sông Công đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán cá sấu giống. Lại một lần nữa phong trào nuôi cá sấu rộ lên nhưng sau vài năm nông dân “bán giống cho nhau” thì vấn đề thị trường tiêu thụ đi vào ngõ cụt, các mô hình chăn nuôi cá sấu teo tóp dần.
Mới đây là phong trào nuôi nhím lại bùng phát tại các huyện: Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa và nhiều nông dân đã bán trâu, chặt rừng chưa đến tuổi khai thác hoặc mang hết số vốn ky cóp cả chục năm trời lên Sơn La, về Ninh Bình mua bằng được vài đôi nhím giống giá từ 25 đến 40 triệu đồng/đôi về nuôi với hy vọng sẽ đổi đời. Quả là thời điểm từ năm 2007 đến năm 2010, nhiều nông dân ở các huyện miền núi của tỉnh ta trở nên giàu có từ bán nhím giống nhưng đến nay, cũng phải thốt lên nhím giống quá ế ẩm, nhím thương phẩm chỉ còn 200 nghìn đồng/kg mà vẫn không bán được.
Chuyện con nhím đặc sản chưa lắng xuống thì trong những lần đi cơ sở gần đây, chúng tôi nghe cán bộ một số xã của huyện: Đại Từ, Phú Lương giới thiệu mô hình nuôi chồn nhung, chim trĩ cho thu nhập tới nửa tỷ bạc mỗi năm. Để rõ thực hư, chúng tôi đã tiếp cận một hộ dân nuôi chim trĩ ở xã Tức Tranh (Phú Lương) và được chủ hộ cho biết giá chim trĩ giống 5 tháng tuổi bình quân là 2 triệu đồng/đôi, trứng đã có trống 60 nghìn đồng/quả. Chim trĩ đẻ nhiều như các loại gia cầm khác và nuôi cũng dễ mà hàng chẳng có bán nên hộ dân này chẳng mấy chốc trở nên giàu có… Nhưng liệu có tiếp tục xảy ra chuyện nông dân đua nhau bỏ bạc triệu mua chim trĩ giống về nuôi để thời gian sau lại rơi vào khó khăn như những con vật đặc sản khác không?
Từ thực tiễn các loại vật nuôi đặc sản, chúng tôi thấy, người nông dân trong tỉnh khi xác định nuôi con vật nào cần tính đến việc có nắm được kỹ thuật chăm sóc, nhân giống? sau thời gian bán giống, con vật đặc sản có thể bán rộng rãi ra thị trường làm thực phẩm mà vẫn có lãi hoặc có cơ sở chế biến bao tiêu hay không? Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì chẳng những giấc mộng làm giàu của nhiều nông dân không thành mà nguy cơ mất của sẽ ở ngay trước mắt.