Thành công từ 5 đôi chồn nhung đen

09:26, 09/07/2012

Sau khi học tập kinh nghiệm nuôi chồn nhung đen ở một số mô hình trong và ngoài tỉnh, chị Nguyễn Thị Vân Thu, xóm Nước Hai, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đã bỏ ra 4,5 triệu đồng để mua 5 đôi giống về nuôi thử nghiệm vào cuối năm 2011. Từ 5 đôi chồn ban đầu, thì hiện trong chuồng của gia đình chị Thu có gần 400 con với trị giá khoảng 250 triệu đồng, không kể đã xuất bán trên 350 đôi chồn giống, chồn thịt cho thu trên 200 triệu đồng.  

Theo lời giới thiệu của anh Ngô Hồng Nam, chủ nhà hàng Huyền Nam, chúng tôi đã tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Vân Thu, xóm Nước Hai, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Đây là cơ sở cung cấp chồn thịt cho nhà hàng của anh Nam cũng như cung cấp con giống cho những mô hình mới nuôi trong và ngoài tỉnh. Vừa ngồi xuống ghế ngoài hiên đợi chị Thu theo lời hẹn thì chiếc xe máy được chất đầy cỏ voi do chị Thu điều khiển đã đỗ xịch trước sân nhà. Các em đến lâu chưa?. Đợi chị tý đã nhé.

 

Vừa nói, chị vừa thoăn thoắt cởi dây chun chằng cỏ ôm từng bó để vào chỗ mát, không quên vứt vào chuồng cho đàn chồn thưởng thức những nắm cỏ tươi xanh mướt. Quệt mồ hôi trên trán, chị Thu nói với chúng tôi đầy dí dỏm: “Các em thấy chị có giống một nông dân thực thụ không?”. Nói rồi, chị đưa chúng tôi đi xem một vòng quanh các chuồng chồn được đặt ngay hai bên sân nhà thoáng mát. Cầm một con chồn cái đang có chửa lên xem xét rồi nhẹ nhàng đặt xuống, chị Thu kể cho chúng tôi nghe “cái duyên” đến với loài chồn nhung đen này. Sinh ra và lớn lên tại Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp y Thái Nguyên, chị xin vào làm hợp đồng tại Khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Năm 24 tuổi (1999), chị Thu xây dựng gia đình với anh Nguyễn Anh quê ở Thái Bình nhưng hai vợ chồng chị lại sống cùng bố mẹ đẻ tại Phú Lương. Năm 2000 chị chuyển sang làm tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Thái Nguyên. Trong một lần đến nhà bạn chơi, chị Thu được bạn cho một quyển sách nói về loài chồn nhung đen. Sau khi đọc sách và tìm hiểu thực tế ở một số cơ sở nuôi, chị đã quyết định từ bỏ công việc tại Bảo Việt Nhân thọ để nuôi thử nghiệm chồn nhung đen vào cuối năm 2011. Ban đầu chị mua 5 con đực và 5 con cái đang có chửa với giá 4,5 triệu đồng của một cơ sở tại Cổ Lũng (Phú Lương) để nuôi tại nhà bố mẹ đẻ. Sau đó chị tiếp tục đầu tư trên 25 triệu đồng để mua thêm chồn bé. Thế nhưng, lợi đâu chưa thấy 40 con chồn mẹ lăn ra chết, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. Chị phát hiện ra do chuồng được xây kín, không có chỗ thoát nước tiểu của chồn nên khi chồn mẹ nằm lên đã bị chết. Để tiện cho việc chăm sóc, tháng 3 năm 2012 chị đã chuyển hết chồn về nuôi tại nhà riêng của mình tại xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Rút kinh nghiệm từ 40 con chồn mẹ bị chết, chị Thu đã chuyển sang cách làm chuồng đơn giản thông thoáng từ những thanh gỗ và tấm lưới mắt cáo theo kích cỡ số lượng chồn trong mỗi ô. Ngoài làm mái, lắp mành che, chị còn lắp thêm quạt tường để làm mát cho chồn trong những ngày nắng nóng. Với đặc tính là loài dễ nuôi, sinh sản nhanh và nhiều, chuồng trại đơn giản, ăn tạp chủ yếu là các loại cỏ, thân cây ngô, dây lang, lá lạc, lá mía... chồn nhung đen có thể cho ăn thêm cám, ngô, khoai, sắn... Một chồn con mới đẻ sau khoảng 10 phút có thể đi lại được, 35 ngày tuổi đã động đực, 60 ngày thành thục về giới tính có thể giao phối, thời gian chửa khoảng 2 tháng. Thời gian nuôn chồn con cho đến lúc giết thịt khoảng từ 4 đến 5 tháng, đạt 1kg trở lên. Tuổi đời trung bình của chồn mẹ khoảng 6 năm, năm thứ nhất chồn sinh sản từ 2 đến 5 con/lứa. Từ năm thứ 2 trở đi chồn sinh sản được từ 6 đến 8 con/lứa. Như vậy, trung bình một năm chồn mẹ sinh sản được 6 lứa với khoảng 20 đến 30 con. Hiện tại, một đôi chồn giống có giá 800 nghìn đồng và 300 nghìn đồng/1 con chồn thịt. Bộc bạch với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Vân Thu cho biết: Từ khi nuôi đến nay (8 tháng), chị đã xuất bán ra thị trường trên 300 đôi chồn giống và khoảng 50 con chồn thịt, với giá bán giao động từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, cho thu trên 200 triệu đồng, tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Hiện trong chuồng còn có gần 400 con, trong đó có 150 con mẹ, trên 100 con trưởng thành và gần 150 con chồn con, trị giá khoảng 250 triệu đồng. Ngoài tiền bán chồn, mỗi tháng chị Thu còn bán khoảng 30 bao phân chồn (15kg/1 bao) cho những người trồng cây cảnh và làm rau an toàn. Với giá 30.000đồng/1 bao, chị thu về khoảng 900 nghìn đồng.

 

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, từ kiến thức tích lũy được qua thời gian tìm hiểu về chồn nhung đen, chị Nguyễn Thị Vân Thu đã có được một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao. Do sản phầm đầu ra của chồn mạnh nên không chỉ dừng ở 12 ô chuồng của mình, chị Thu còn khuyến khích anh, chị em trong gia đình, người thân, bạn bè nuôi để chị bao tiêu sản phẩm. Cách làm kinh tế từ mô hình nuôi chồn nhung đen của chị Thu đang được nhiều người tìm đến tham quan, học tập.

 

Thịt của chồn nhung đen có giá trị dinh dưỡng cao nên đã trở thành thứ đặc sản trong cẩm nang các bài thuốc quý và là một loại thực phẩm bổ dưỡng. Hàm lượng đạm của thịt chồn gần 20% (thịt bò:17%, thịt lợn:15%, thịt gà: 20%). Hàm lượng mỡ trong thịt chồn chỉ 15% (bò:25%, lợn:28% và thịt gà:17%). Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong thịt chồn cao gấp 3 lần thịt ba ba và lượng cholesteron thấp.