Thời gian gần đây, tình trạng vận chuyển gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nhập lậu vào nước ta đang làm nóng dư luận. Ở các tỉnh lân cận, gà nhập lậu vẫn được bày bán ở một số chợ đầu mối như Hà Vĩ, Thường Tín (Hà Nội) và bến phà Tứ Dân, Khoái Châu (Hưng Yên)…
Tại tỉnh ta, chỉ trong hơn 1 tháng qua cũng đã phát hiện 5 xe vận chuyển gà nhập lậu, trong đó có 2 xe vận chuyển gà loại thải và 3 xe vận chuyển gà giống. Theo đó, số gà trong các xe vừa nêu trên lên đến gần 20 nghìn con. Lực lượng chức năng ngay sau đó đã tiêu huỷ toàn bộ số gà này. Ông Phạm Quang Phúc, Chi cục Phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Các xe này vận chuyển gà nhập lậu đi qua tỉnh ta chứ không phải đưa gà nhập lậu về Thái Nguyên tiêu thụ.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh ta chưa phát hiện có gà nhập lậu bày bán ở các chợ. Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế tại một số điểm giết mổ gia cầm lớn trong tỉnh (toàn tỉnh hiện chỉ có 5 điểm giết mổ gia cầm tạm thời, đều ở T.P Thái Nguyên). Tại điểm giết mổ gia cầm tạm thời Kiên Đoàn, ở tổ 15, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), người mua gà khá tấp nập.
Trao đổi, chúng tôi được biết, cơ sở này đã hoạt động 7 năm nay, trung bình mỗi ngày giết mổ khoảng 500-600 con gia cầm. Nguồn gà nhập về 100% là của các chủ trang trại trên địa bàn T.P Thái Nguyên, có nguồn gốc rõ ràng. Ông Nguyễn Văn Kiên, chủ cơ sở giết mổ gia cầm này cho hay: Nếu kinh doanh gà không rõ nguồn gốc thì người bị thiệt hại đầu tiên là chúng tôi. Gà nhập lậu có thể bị dịch bệnh cũng như phát tán dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Đó là chưa kể khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng tôi sẽ bị tịch thu toàn bộ số gà, bị xử lý phạt hành chính…
Rời điểm giết mổ ở phường Túc Duyên, chúng tôi tìm đến điểm giết mổ gia cầm tạm thời Dũng Phượng, tổ 9, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên). Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm giết mổ này được đầu tư xây dựng khá quy mô, cách xa khu dân cư và được vệ sinh khá gọn gàng. Đây là cơ sở đã hoạt động trên 20 năm, trong đó gần 10 năm nay, cơ sở này đã ký hợp đồng mua gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp cho các tư tương.
Thời điểm này, mỗi ngày cơ sở giết mổ trên 300 con gia cầm. Ông Trịnh Hữu Dũng, chủ cơ sở giết mổ nói: Gia đình tôi chỉ kinh doanh gà của Công ty. Tuy giá thu mua vào có đắt hơn gà ngoài thị trường nhưng rất yên tâm về chất lượng, không lo bị dịch bệnh. Phần lớn, gia đình tôi chỉ cung cấp gà cho các khách quen. Như để minh chứng thêm cho lời nói của mình, ông Dũng đưa cho chúng tôi xem các loại giấy ghi rõ xuất xứ, giấy kiểm dịch của số gà đang có trong khu nuôi nhốt của gia đình.
Tại 3 điểm giết mổ còn lại ở phường Tân Long (2 điểm) và gần Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên, quy mô nhỏ hơn nên các cơ sở này cũng chỉ thu mua gà của các trang trại trên địa bàn tỉnh về bán lại cho các tư thương.
Dù chưa phát hiện nhưng nguy cơ gà nhập lậu vận chuyển vào Thái Nguyên tiêu thụ là rất lớn. Nhất là khi, giá gà loại thải của Trung Quốc được bán với giá rất rẻ. Tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, trung bình, một con gà nặng khoảng 2-2,5kg chỉ bán với giá 5.000 đồng. Các tư thương sẽ trả thêm 8.000 đồng/con cho công vận chuyển về xe ô tô. Khi vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, gà sẽ được bán với giá khoảng 40 nghìn đồng/kg. Mức lợi nhuận này rất hấp dẫn và là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng khi mà nhiều tư thương hám lợi và một bộ phận người dân đang dễ dãi trong tiêu dùng thực phẩm, có thói quen ăn gà thải loại với đặc điểm thịt giòn, dai…
Trên thực tế, gà loại thải lại có nguy cơ lây nhiễm những chủng bệnh mới rất cao; hết chất dinh dưỡng bởi dư lượng kháng sinh tồn dư quá giới hạn cho phép, gây ra choresterol tăng cao trên cơ thể người. Ở một số nước, gà thải loại (gà hết chu kỳ đẻ trứng) chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Gà nhập lậu tràn lan vào địa bàn sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe người dân, làm thất thoát một khoản thu thuế lớn cho ngân sách, tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cúm ở người và gia cầm, gây hại cho người chăn nuôi chân chính và ngành chăn nuôi của tỉnh...
Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng gà nhập lậu vào địa bàn tỉnh, trước hết, tỉnh ta cần thành lập Đội kiểm tra liên ngành để thuận lợi cho việc kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Theo đó, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm tới công tác tuyền truyền, nâng cao nhận thức để người dân không sử dụng gà loại thải trong các bữa ăn; tăng cường các chốt kiểm dịch, hình thành các đội tuần tra lưu động, phát hiện kịp thời việc vận chuyển gia cầm trái phép; có chế độ cho đội ngũ làm công tác này. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm cần kiên quyết xử lý…