Cơ cấu nợ giúp khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh

15:43, 08/11/2012

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, nông thôn và hộ sản xuất nông, lâm nghiệp gặp khó khăn do: lãi suất ngân hàng những tháng đầu năm còn cao nên khó tiếp cận nguồn vốn vay; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; giá cả không ổn định.

Để giúp các DN và hộ sản xuất phôi phục sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã có những giải pháp tích cực nhằm tạo điều kiện cho DN, hộ sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng. Đi đôi với thực hiện điều chỉnh lãi suất các khoản vay theo quy định về mức tối đa 15%/năm (từ ngày 15/7), Ngân hàng còn thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ để DN có điều kiện phục hồi sản xuất, có nguồn trả nợ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: Thực hiện hạ lãi suất theo quy định, Ngân hàng đã nhanh chóng triển khai đến khách hàng, điều chỉnh các khoản vay theo quy định về lãi suất tối đa 15%/năm. Vì thế, tính đến ngày 15/7, dư nợ với lãi suất trên 15% của Agribank còn 1.190 tỷ đồng, nhưng đến ngày 19/10, dư nợ với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 425,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để giúp các DN, hộ sản xuất có vốn đầu tư hoàn thành kế hoạch vào những tháng cuối năm và các hộ sản xuất, nhất là hộ chăn nuôi khôi phục lại đàn gia súc, gia cầm, Ngân hàng đã tích cực rà soát, đánh giá lại khách hàng và thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ của một số DN gặp khó khăn.

 

Trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Tiến Mạnh ở thị trấn Ba Hàng, Phổ Yên, chăn nuôi lợn nái với số lượng lớn (1.300 con) vay 1 món trung hạn với số tiền 4 tỷ đồng trong thời hạn (từ tháng 2/2012 đến tháng 2/2017); một món vay với số tiền 9 tỷ đồng (từ tháng 10/2010 đến tháng 10/2016), lãi suất ban đầu là 19%/năm để đầu tư xây dựng trang trại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi, trời mưa kéo dài nên chậm tiến độ so với phương án trả nợ cho Ngân hàng 2 tháng; bên cạnh đó, giá xây dựng tăng, kéo theo chi phí đầu tư tăng so với dự toán ban đầu. Vì vậy, Ngân hàng giãn kỳ hạn trả nợ cho Công ty một số món so phân kỳ theo lịch trả nợ ban đầu, với số tiền đã cơ cấu là 976 triệu đồng (trong đó tiền gốc là 820 triệu đồng). Thời hạn trả nợ được chia ra nhiều lần, nhưng thời hạn cuối cùng của một số món theo lịch ban đầu chậm nhất vào ngày 1/12/2013 và điều chỉnh lãi suất xuống còn 15%/năm.

 

Hoặc đối với các đơn vị có mặt hàng xuất khẩu, do thị trường xuất bán hàng hóa gặp khó khăn như: Công ty cổ phần chè Đại Từ (dư nợ 3 tỷ 954 triệu đồng);Công ty cổ phần Kim khí Bắc Thái (dư nợ trên 3 tỷ đồng); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trung Nguyên (dư nợ 4 tỷ đồng), Ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất từ 13%/năm xuống còn 11%. Hoặc Công ty cổ phần Công thương V20 (thị trấn Đu, Phú Lương) đang dư nợ của Ngân hàng 7,2 tỷ đồng để đầu tư mua xe 15 ô tô để phục vụ vận chuyển hàng hóa. Thời hạn vay vốn từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2014 và được phân kỳ trả nợ theo từng quý trong năm. Song, do công nợ chưa thu được của khách hàng nên Ngân hàng đã điều chỉnh đẩy lùi kỳ hạn trả nợ theo quý, nhưng hạn cuối cùng của một số món so với phân kỳ trả nợ ban đầu vẫn là tháng 7/2014… Từ đó, các DN đã duy trì được sản xuất, kinh doanh và có điều kiện trả nợ cho Ngân hàng.

 

Được biết, từ tháng 7/2012 đến nay, Agribank tỉnh đã áp dụng nhiều gói tín dụng ưu đãi từ 11-13% đối với các khách hàng có dự án khả thi, tình hình tài chính lành mạnh. Đối với DN vừa và nhỏ, hộ gia đình cá nhân được vay với lãi suất bình quân 13%/năm; đối với đơn vị kinh doanh vật tư nông nghiệp áp dụng lãi suất bình quân 12%/năm; đối với DN xuất khẩu cho vay ở mức lãi suất 11%/năm. Vì vậy, các DN đã tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng tăng lên, điều đó thể hiện ở doanh số cho vay: trong tháng 7/2012 mới đạt 522 tỷ đồng, nhưng đến tháng 10/2012, đạt doanh số 609 tỷ đồng (doanh số trong 10 tháng đạt 5.471 tỷ đồng).

 

 Tuy doanh số tăng chưa cao, nhưng cho thấy, khả năng các DN, hộ sản xuất kinh doanh đang “hấp thụ” nguồn vốn của Ngân hàng có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, dư nợ lãi suất trên 15% còn lại, chủ yếu đối với các khoản cho vay tiêu dùng, vay thấu chi qua thẻ, cho vay phụ vụ đời sống và các khoản vay có áp dụng lãi suất thả nổi. Ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát để điều chỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với các khoản thỏa thuận đã ký kết nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. 

Huyền Nga