Tại sao rừng vẫn “chảy máu”? Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh mà các ngành, địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Hãy nghe những tâm tư của cả chủ rừng và người gác rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, khu vực đang được xem là nóng bỏng nhất tỉnh hiện nay trong việc giữ rừng.
Kỳ II: Nỗi lòng người gác rừng
Hiện nay, diện tích rừng đặc dụng cần được bảo vệ nghiêm ngặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng là trên 17.474ha (trong tổng số gần 43.000ha rừng và đất lâm nghiệp được giao) thuộc địa bàn 6 xã là Cúc Đường, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thượng Nung và Thần Sa. Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã bố trí 7 chốt kiểm lâm tại các xã này nhằm ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên các tuyến đường trọng yếu qua đây. |
“Lâm tặc” hung hăng, liều lĩnh
Mặc dù thời gian gần đây, tỉnh đã ra sức chỉ đạo việc giữ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, song thực tế “những ngày không yên ả” tại vùng rừng già này vẫn còn. Nỗi lo chưa thể hết trên gương mặt của cả chủ rừng và những người gác rừng. Ông Nguyễn Quang Lịch, Trưởng ban Quản lý Khu Bảo tồn thông tin: Tình hình chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Các đối tượng vi phạm Lâm luật sau khi bị bắt giữ thường tổ chức đông người đến đe dọa, thách thức lực lượng Kiểm lâm và cướp đi tang vật, phương tiện vi phạm. Chúng còn cho hai hoặc ba xe chở gỗ lậu đi giữa, phía trước và sau bố trí hai, ba xe máy khác lạng lách, đánh võng, dùng dao, phớ chèn ép lực lượng truy đuổi, gây rất nhiều khó khăn cho công tác trấn áp, xử lý vi phạm.
Ngay giữa tháng 9 vừa qua, trong lúc tuần tra, tổ chốt Kiểm lâm tại khu vực Lân Đất Đỏ, xã Nghinh Tường đã phát hiện 2 xe máy cải hoán vận chuyển gỗ men theo đường rừng ra ngoài. Hai cán bộ Kiểm lâm của chốt là anh Nguyễn Văn Xây và anh Hoàng Minh Giang đã yêu cầu đối tượng dừng xe để kiểm tra thì bất ngờ bị đối tượng dùng dao, phớ đe dọa rồi chặt đứt dây néo chằng gỗ và bỏ chạy. Sau khi có sự tiếp sức của lực lượng dân quân, Công an xã thì các anh mới có thể khống chế được đối tượng và thu giữ tang vật. Anh Hứa Văn Tiến, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Nghinh Tường nói: Đây là khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh (Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn), lại ở xa trung tâm xã, dân cư thưa thớt, đường đi rất khó khăn nên việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển lâm sản trái phép là rất khó và nguy hiểm. Nhiều trường hợp phát hiện vi phạm nhưng do lực lượng quá mỏng, trong khi đối tượng lại hung hăng, liều lĩnh nên chúng tôi đành phải bỏ cuộc.
Anh Trần Quốc Hoàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ngọc Sơn 2, xã Thần Sa kể: Tối 15/10/2012, tôi đi tuần tra đến khu vực dốc Bản Ná thì thấy một người chở anh Nguyễn Quang Mừng, cán bộ Kiểm lâm của Trạm đi ngược chiều trong tình trạng anh Mừng bị ngất, máu chảy ở phần đầu. Tôi tìm đến chỗ có 2 chiếc xe máy dựng bên đường và đỗ lại thì bất ngờ bị một đối tượng dùng vật cứng đánh vào đầu. Tiếp đó, đối tượng này lại xông vào đánh tôi túi bụi nhằm cướp lại xe máy. Lúc này anh Mừng đã về Trạm băng bó và gọi điện cho lực lượng Công an xã đến giải cứu. Thấy có thêm lực lượng, đối tượng đã bỏ chạy. Tôi được đưa về Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên điều trị vết thương. Sau đó, hai đối tượng hành hung chúng tôi đã bị Công an huyện Võ Nhai bắt giữ, xử lý hình sự. Trước đó, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng đã phát hiện và tịch thu một khối lượng gỗ khai thác, vận chuyển trái phép của các đối tượng này…
Cần sự cộng đồng trách nhiệm
Trên địa bàn huyện Võ Nhai, lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng được bố trí như sau: Cấp huyện có 1 ban chỉ đạo các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng. Cấp xã, thị trấn có 15 ban chỉ đạo cấp bách, 15 ban phát triển rừng. Cấp thôn, bản có 172 tổ quản lý, bảo vệ rừng với 1.800 tổ viên. Riêng lực lượng Kiểm lâm Khu Bảo tồn được bố trí 1 Trạm Kiểm lâm rừng đặc dụng, trong đó có tổ cơ động và 5 trạm Kiểm lâm địa bàn với tổng số 48 cán bộ. Mặc dù vậy, nhưng theo ông Đào Xuân Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện thì lực lượng bảo vệ rừng của huyện vẫn còn rất mỏng. Việc xử lý các đối tượng vi phạm rất khó khăn vì đa số các vụ vi phạm đều…vô chủ. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Khi tập kết, cất giữ gỗ lậu, chúng thường để ở bìa rừng, ven đường nên khi lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ thường không xác định được chủ lâm sản. Ngoài ra, chúng còn dùng xe vận chuyển đã qua cải hoán, không có giấy tờ, biển kiểm soát, khi bị phát hiện là vứt xe lại nên không biết đâu là chủ, dẫn đến khó xử phạt, thiếu tính răn đe. Cũng theo ông Đào Xuân Phượng thì từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức 17 đợt truy quét với thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng mỗi đợt. Ngoài ra, cũng trong 3 năm này, huyện đã tổ chức gần 100 lớp học, buổi tuyên truyền và ban hành gần 20 văn bản chỉ đạo về vấn đề quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả mang lại chưa thực sự như mong muốn.
Tìm hiểu ngọn nguồn của vấn đề, chúng tôi nhận thấy, ở một số nơi chủ rừng (cấp uỷ, chính quyền cấp xã) chưa thực sự vào cuộc trong việc phối hợp thực hiện các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn nạn chặt phá rừng trái phép mà đôi khi còn khoán toàn bộ việc này cho lực lượng Kiểm lâm, cá biệt có xã còn coi trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ rừng là của Kiểm lâm. Việc phối hợp liên ngành để ngăn chặn các đối tượng vi phạm Lâm luật chưa thường xuyên, chủ yếu trông chờ vào các đợt truy quét. Các lực lượng chính là Kiểm lâm, dân quân tự vệ và Công an xã còn thiếu sự phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng, còn có tâm lý ỷ lại. Khu vực giáp ranh cũng chưa được quan tâm. Điều đáng chú ý nhất là chính quyền cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân - đối tượng trực tiếp sống, sinh hoạt và gắn bó với rừng.
Ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Nginh Tường cho biết: Chúng tôi nghĩ, công tác quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phải cùng phối hợp thực hiện mới làm được. Vừa qua, chúng tôi đã lập danh sách và mời 20 đối tượng là “đầu nậu” gỗ lên xã để tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết không vi phạm Lâm luật nữa, nhưng chỉ có 4 người đến dự, đành phải hoãn lại để tìm phương án khác. Nói vậy để thấy, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng thực sự khó khăn nếu không có trách nhiệm của cả cộng đồng…
Từ trước đến nay, chúng ta đã nói nhiều đến các cụm từ như: Bảo vệ rừng tận gốc; đưa Kiểm lâm về bản; quyết liệt phòng, chống chặt phá rừng; tăng cường truy quét, làm trong sạch địa bàn…. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự trong việc giữ rừng thì dường như vẫn còn xa vời lắm. Và, gỗ rừng vẫn không ngừng “chảy máu”, tỏa đi khắp nơi.
Câu hỏi đặt ra: “Cuộc chiến giữ rừng còn gian nan đến bao giờ?” chắc hẳn chưa sớm có lời giải đáp.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ngọc Sơn 2: Công tác bảo vệ rừng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên chúng tôi rất cần sự phối hợp cùng vào cuộc của nhiều lực lượng... |
Ông Lường Văn Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Sảng Mộc: Đúng là việc quản lý, bảo vệ rừng phải được thực hiện từ cơ sở. Nghĩa vụ và trách nhiệm quy định cho cấp xã trong công tác này rất nặng nề, nhưng quyền hạn thực hiện trách nhiệm đó còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, mỗi năm chúng tôi chỉ nhận được khoản kinh phí bảo vệ ít rừng rất ỏi (1 triệu đồng)... |