Hiệu quả bước đầu nhờ chuyển đổi cách làm ăn phù hợp

09:58, 26/11/2012

Mạnh dạn chuyển đổi cách làm ăn, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và biết cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi. Đó là bí quyết thành công ban đầu của chị Nguyễn Thị Hai và anh Chu Quốc Long, ở làng Ngói, xã Cổ Lũng (Phú Lương) từ mô hình nuôi thỏ và cá giống. Sau 9 tháng (từ tháng 2 đến tháng 10/2012), mô hình này mang lại cho gia đình chị khoảng 80 triệu đồng.

Chị Hai cho biết, năm 2007, chi mua 1 đôi thỏ giống về nuôi. Sau 4 tháng, thỏ mẹ sinh sản được 8 con thỏ con và số lượng thỏ gia đình nuôi chỉ dao động ở mức 10 đến 20 con vì không có vốn. Cuối năm 2011, vợ chồng chị quyết định vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ.

 

Cùng với 30 triệu đồng tích lũy được, vợ chồng chị xây 170m2 chuồng trại với 55 ô chuồng lưới mắt cáo, hệ thống rãnh chứa phân… Sau khi hoàn tất chuồng nuôi, đầu năm 2012, chị Hai xuống trang trại thỏ ở xã Đông Cao (Phổ Yên) mua  30 thỏ cái và 5 thỏ đực hết 9 triệu đồng. Tuy nhiên, do chuồng trại không lắp quạt và làm trần chống nóng nên 4 tháng sau đó, 30 thỏ mẹ đang có chửa đã bị chết do không chịu được nóng. Không nản lòng, vợ chồng chị quyết định bán con trâu đang có chửa (tài sản duy nhất có giá trị của gia đình) lấy 17 triệu đồng để mua quạt, làm trần chống nóng cho thỏ. Tháng 6, số thỏ mẹ còn lại sinh sản được 160 thỏ con và cứ sau 1 tháng thỏ mẹ lại tiếp tục sinh sản lứa thứ 2, thứ 3...

 

 

Lứa đầu tiên (sau 3 tháng), chị Hai để lại 40 con thỏ cái để nuôi, còn xuất bán 100 con đực, tương đương với 1,6 tạ (trung bình mỗi con từ 2 đến 2,5kg), thu về trên 10 triệu đồng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc từ kinh nghiệm thực tế đã nuôi thỏ, qua tìm hiểu, nghiên cứu trong sách, báo, tivi nên đàn thỏ của gia đình không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sau 9 tháng nuôi (từ tháng 2 đến tháng 10), chị Hai đã xuất bán được gần 1 tấn thỏ giống và thỏ thịt. Với giá trung bình là 160.000 đồng/1 đôi giống nhỏ, 120.000 đồng/kg giống to và từ 70.000 đồng đến 72.000 đồng/1kg thỏ thịt, trừ chi phí chị thu về gần 60 triệu đồng. Hiện nay, mô hình thỏ của chị Nguyễn Thị Hai đã tăng lên 150 ô chuồng với 400 con, trong đó có 83 thỏ mẹ, 9 thỏ bố và hơn 300 thỏ con sẽ được xuất bán sau 1 tháng nữa.

 

 

Thỏ là loài động vật gặm nhắm dễ nuôi, thức ăn tận dụng được các nguồn sản phẩm phụ nông nghiệp (rau, lá, cỏ tự nhiên), sinh trưởng tốt, chuồng trại đơn giản, thời gian nuôi ngắn, đầu tư con giống thấp nhưng hiệu quả kinh tế lại cao. Ngoài việc đảm bảo chuồng thoáng mát, sạch sẽ, hằng ngày nên cho thỏ ăn 2 bữa rau, 1 bữa cám để tăng lượng tinh bột cho chúng. Tuy nhiên, đối với thỏ sinh sản và thỏ con nên tăng cường nhiều thức ăn xanh để đảm bảo sức khỏe và giúp thỏ mẹ sinh sản được nhiều hơn. Theo kinh nghiệm thực tế chăn nuôi của chi Hai, để thỏ không bị đầy bụng, đi ngoài do ăn phải cỏ, các loại lá bị nhiều nước mưa và sương nên cho thỏ ăn kết hợp 3 loại lá (chè, sung, mít) và mỗi tháng cho thỏ ăn một lần lá xoan để tẩy run, sán.

 

 

Nói về việc mở rộng quy mô nuôi, chị Nguyễn Thị Hai cho biết: “Chủ yếu thỏ của gia đình cung cấp cho những nhà nuôi vài đôi để cải thiện bữa ăn, cho bếp ăn của Trại giam Phú Sơn, một vài nhà hàng trên địa bàn huyện và 1 cơ sở thu mua ở Bắc Giang. Hiện nay, nguồn cung cấp thỏ giống, thỏ thịt vẫn rất ít so với nhu cầu của thị trường nên đầu năm 2013, sau khi trả nốt Ngân hàng 20 triệu đồng, vợ chồng mình sẽ đầu tư mở rộng thêm 100 ô chuồng. Vừa qua, mô hình thỏ của gia đình cũng được Ban Quản lý Dự án Trại giống thỏ New Zwa Land Việt – Nhật Ninh Bình lên thăm. Tuy nhiên, do số lượng vẫn còn ít nên họ không trực tiếp ký hợp đồng nhập mà vẫn phải qua một cơ sở thu mua trung gian ở Bắc Giang”.

 

Ngoài nuôi thỏ, đầu năm 2012, vợ chồng chị đã mạnh dạn chuyển đổi từ 6 sào cấy lúa sang đào ao thả cá, trong đó 3 sào thả cá trắm giống và 3 sào dùng để nuôi bèo tấm chăn cá. Sau 2 tháng, từ tháng 2 đến tháng 6, chị Hai bán được 4 tạ cá giống, trong đó có 2 tạ bán giá 70.000 đồng/1kg và 2 tạ là giá 45.000 đồng/1kg, trừ chi phí cho thu lãi hơn 20 triệu đồng. Anh Chu Quốc Long, chồng chị Hai nhẩm tính: “Trước đây, 6 sào ruộng nếu có chăm bón tốt, mùa màng thuận lợi cũng chỉ được 2,4 tấn thóc/2 vụ, trừ chi phí thu về khoảng 7 triệu đồng.  Nhưng, giờ chuyển sang thả cá, chỉ trong vòng 4 tháng đã cho thu lãi trên 20 triệu đồng. Vừa rồi, vợ chồng tôi thuê máy xúc đào tiếp 1 sào đất đồi chuyển thành ao để gột cá hương quay vòng cho 3 sào cá giống”.

 

Có thể thấy, mô hình nuôi thỏ, làm cá giống của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hai và anh Chu Quốc Long là một hướng chuyển đổi cách làm ăn phù hợp với kinh tế nông hộ. Đầu tư con giống thấp, nguồn thức ăn dễ kiếm, dễ tận dụng, không quá vất vả mà hiệu quả kinh tế lại cao.