Hiệu quả Dự án “Hỗ trợ sản xuất Lúa Bao Thai hàng hóa”

15:43, 14/11/2012

Hơn 50 ha lúa Bao thai thuần chủng trên cánh đồng của xã Đồng Thịnh (Định Hóa) đã ngả sang màu vàng óng, dự kiến sẽ được thu hoạch trong vài ngày tới, với năng suất ước đạt khoảng 52 - 54 tạ/ha. Giống lúa được người dân đánh giá có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất, chất lượng cao hơn hẳn những giống lúa trước đây… Đó là kết quả từ Dự án “Hỗ trợ sản xuất lúa Bao thai hàng hóa” do Trạm Khuyến nông huyện triển khai.  

Bên thửa ruộng với những bông lúa trĩu hạt, anh Ma Đình Phượng (thôn Ru Nghệ 1, xã Đồng Thịnh) vui mừng cho biết: “Những năm trước, năng suất lúa Bao thai chỉ đạt khoảng 1,6 tạ/sào nhưng vụ mùa này chắc chắn sẽ đạt 2 tạ/sào. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: mỗi sào chỉ cần 1kg giống (giảm 2kg so với cách làm cũ), đối chiếu màu lá để bón phân đạm… đã giúp giảm chi phí đầu tư, tăng sản lượng lúa. Vụ này, gia đình tôi cấy thí điểm trên 6 sào ruộng, với giá hiện tại là 800.000 đồng/tạ thóc, ước sẽ thu lãi khoảng 3 triệu đồng…”.

 

Cũng như anh Phượng, vụ mùa năm nay, gia đình Anh Phương Văn Mạc, xóm Đèo Tọt 1, xã Đồng Thịnh cũng tham gia mô hình trồng lúa Bao thai hàng hóa với diện tích trên 2 mẫu ruộng. Anh chia sẻ: “Lúa Bao thai được trồng trên đồng đất địa phương từ rất lâu, nhưng năm nay, được áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) từ Dự án, năng suất lúa cao hơn khoảng 2 - 4 tạ/ha. Việc thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh trên diện tích lúa không chỉ giúp giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, mà còn giảm ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm đảm bảo… Tôi tin nếu áp dụng đúng KHKT, chắc chắn những vụ lúa sau, năng suất, chất lượng lúa sẽ đạt cao hơn nhiều”.

 

Xã Đồng Thịnh có 535 ha đất nông nghiệp, trong đó trên 200 ha trồng lúa Bao thai, đây là một trong những “vựa lúa” Bao thai của huyện. Với truyền thống trồng lúa Bao thai từ lâu đời, có cánh đồng rộng, tập trung, nguồn nước tưới tiêu thuận lợi, Đồng Thịnh được chọn là 1 trong 8 xã điểm triển khai Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất lúa Bao thai hàng hóa” do Trung tâm Khuyến nông huyện thực hiện trong vụ mùa năm nay. Tham gia Dự án (tại 8 xã) có 1.084 hộ dân, cấy trên 180 ha đất ruộng, tổng kinh phí thực hiện Dự án gần 224 triệu đồng. Tại xã Đồng Thịnh, có 85 hộ dân tham gia, thực hiện gieo cấy trên 50 ha đất ruộng. Đây là những hộ có diện tích đất ruộng tập trung trên cùng 1 khu vực cánh đồng của xã. Các hộ dân tham gia được hỗ trợ 60% giá giống nguyên chủng; tập huấn khoa học kỹ thuật về biện pháp thâm canh lúa cải tiến; tự đầu tư vật tư phân bón, công lao động…

 

Anh Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện cho biết: “Giống lúa Bao thai đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp văn bằng nhãn hiệu tập thể “Gạo Bao thai Định Hóa” vào năm 2007. Tuy nhiên, hiện nay, việc bao tiêu đầu ra cho sản phẩm gạo bao thai còn gặp rất nhiều khó khăn, thường bị tư thương ép giá. Người dân chủ yếu bán lẻ tại các chợ nên thu nhập từ mặt hàng này còn rất hạn chế. Bởi vậy, việc tạo vùng sản xuất, tăng thương hiệu Gạo, nhằm mang đến thị trường ổn định cho người dân các vùng trồng là rất quan trọng. Với mục đích đó, huyện đã xây dựng Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất lúa Bao thai hàng hóa huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên năm 2012”. Để tăng năng suất lúa, việc gieo trồng cần phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Trong đó, giống đảm bảo nguyên chủng; cấy 2-3 dảnh/khóm lúa; sau khi cấy giữ mực nước 1-2 cm để lúa đẻ nhánh; giai đoạn làm đòng, trỗ bông giữ mực nước 3-5 cm;  thường xuyên theo dõi để phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời…

 

Nhận xét về mô hình này tại địa phương, ông Vũ Văn Bút, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết: “Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa Bao thai không những tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thương hiệu sản phẩm mà còn đóng góp quan trọng trong xu thế phát triển bền vững. Dự án được nhân dân trong xã hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch triển khai mô hình này đến đông đảo người dân, nhằm tạo ra vùng sản xuất Gạo Bao thai hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân”.

 

Qua kiểm nghiệm từ thực tế, Dự án “Hỗ trợ sản xuất lúa Bao thai hàng hóa” đã khẳng định được hiệu quả, là cơ sở tốt để nhân rộng mô hình trên địa bàn, mở hướng đi mới cho nông dân thâm canh, nâng cao giá trị hàng hóa đối với nông sản lúa gạo Bao thai.