Liên hoan Trà Quốc tế - Nhìn lại để hướng tới

08:46, 22/11/2012

Sau Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, sản phẩm chè Thái đã được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến nhiều hơn. Còn những người trồng chè cũng tự nâng cao ý thức trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng chè thành phẩm; có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè…

Kỳ II: Nhận thức của người trồng chè được thay đổi

 

Toàn tỉnh hiện có trên 18,3 nghìn ha chè, trong đó có khoảng 16 nghìn ha chè kinh doanh, sản lượng 160 nghìn tấn/năm. Thu nhập từ 1ha chè hiện nay đạt khoảng 70-80 triệu đồng/ha/năm. Năm 2012, toàn tỉnh trồng mới, trồng lại 1.000ha chè, chủ yếu bằng các giống chè cành năng suất, chất lượng, được Bộ Nông nghiệp và PTNT và tỉnh hỗ trợ 100% giá giống như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên.

 

Sản xuất chè an toàn và những nỗ lực của người dân

 

Ông Đoàn Văn Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu sản xuất chè theo phương thức truyền thống, chỉ quan tâm đến năng suất nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cũng như uy tín của chè Thái. Từ sau Liên hoan Trà Quốc tế - Thái Nguyên lần thứ nhất, người dân đã quan tâm, chú ý nhiều hơn đến chất lượng chè. Các hộ đã quan tâm sản xuất “chè sạch” với mong muốn sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tin tưởng và giá bán sẽ cao hơn.

 

Điều này càng được minh chứng qua chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thắng, một hộ sản xuất chè lâu năm ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương: Đang sản xuất chè theo phương thức truyền thống mà chuyển sang làm chè an toàn, người trồng chè chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chè đã quen với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, khi chuyển sang sử dụng phân vi sinh, búp chè không được xanh, non như trước, năng suất giảm hẳn nên chúng tôi cũng phải rất kiên trì, đành phải thất thu 6, 7 lứa để đợi chè phục hồi. Chúng tôi hiểu rằng, làm chè an toàn không chỉ bảo vệ sức khỏe của chính chúng tôi, của khách hàng mà còn giúp cho cây chè phát triển bền vững, không bị thoái hóa nhanh, sản phẩm chè Thái “bay xa” đến với thị trường quốc tế.

 

Một thông tin vui đến với người dân làm chè Tân Cương khi mới đây, Công ty cổ phần CHD, T.P Hải Dương đã ký hợp đồng độc quyền bao tiêu sản phẩm chè của người dân trong xã tại tỉnh Hải Dương. Điều này càng minh chứng cho những hiệu quả thiết thực mà Liên hoan mang lại.

 

Không chỉ vùng chè Tân Cương mà ở các vùng chè khác như Minh Lập, Văn Hán (Đồng Hỷ); La Bằng (Đại Từ); Phúc Thuận (Phổ Yên); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương)… người dân cũng đã tự áp dụng các quy trình sản xuất chè an toàn như: Sử dụng phân vi sinh bón cho chè, có thời gian cách ly đúng quy định sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật cho chè… Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ nhận định: Người làm chè đang quan tâm phát triển chè theo chiều sâu. Điều này đồng nghĩa với việc nhận thức của người làm chè về thương hiệu đã được thay đổi. Người làm chè đã quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chè.

 

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giống và Vật tư nông nghiệp hàng hóa tỉnh cho rằng: Chuyển biến lớn nhất của người dân Thái Nguyên sau Liên hoan Trà Quốc tế chính là bà con đã quan tâm tới việc sản xuất chè an toàn bởi họ hiểu rằng chỉ có chất lượng chè mới làm nên thương hiệu. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 60ha chè đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có hơn 20ha vẫn đang còn hiệu lực. Tuy nhiên, số hộ tự áp dụng quy trình VietGAP (thực hành sản xuất tốt) trên địa bàn tỉnh khá nhiều.

 

Về phía tỉnh, cũng đang triển khai quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn trên địa bàn làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thực hiện quy hoạch này, tỉnh cũng sẽ xây dụng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn để sản phẩm chè làm ra đạt tiêu chuẩn VietGAP, Uzt Certified… đáp ứng nhu cầu về xuất khẩu.

 

Tạo sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ chè

 

Qua Liên hoan Trà Quốc tế, không chỉ quan tâm tới vấn đề thương hiệu, người trồng chè cũng đã biết liên kết với nhau để tiêu thụ chè. Chị Nguyễn Thị Nhài, Hợp tác xã Chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) nói: Để có đủ lượng chè cung ứng cho khách hàng theo đúng thời gian thỏa thuận, các hộ trồng chè đã liên kết với nhau. Mỗi hộ có vài chục kg chè búp khô, nhưng với số hộ khá đông, số chè cung ứng cho khách hàng cũng lên đến hàng tấn. Sự liên kết này không chỉ giúp chúng tôi giữ uy tín với khách hàng mà còn giúp người làm chè được bao tiêu sản phẩm ổn định. Các hộ trồng chè cũng bảo ban nhau sản xuất chè an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

 

Cũng phải khẳng định rằng, từ sau Liên hoan Trà, mối liên kết giữa “4 nhà” đã được phát huy. Tỉnh đã có những cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển cây chè cũng như nâng cao chất lượng chè; các nhà khoa học quan tâm hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ trong sản xuất, chế biến chè; người dân tích cực đầu tư thâm canh cây chè; các doanh nghiệp liên kết với hộ dân sản xuất, tiêu thụ chè an toàn như Công ty TNHH Thái Hải, HTX chè Tân Hương, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên)….

 

Như vậy có thể thấy, các thành phần kinh tế trong tỉnh đều nhận thấy tiềm năng phát triển của cây chè nên đã chủ động tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chè. Từ khi Liên hoan diễn ra, lượng chè tiêu thụ là rất lớn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho một số doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn, đồng thời tạo cơ hội để những người trồng chè, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, người tiêu dùng trà trong nước và quốc tế được gặp gỡ, giao lưu…

Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh ta tổ chức Liên hoan trà định kỳ 2 năm một lần. Như vậy, Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên lần thứ hai đang cận kề. Thành công từ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất và hiệu quả về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà nó mang lại đã được khẳng định. Tuy nhiên, việc tổ chức tiếp theo cần có sự sáng tạo để Liên hoan Trà Quốc tế trở thành “thương hiệu” của Thái Nguyên, góp phần tạo ra nét văn hóa uống trà phổ biến, đáp ứng được lòng mong mỏi của người trồng chè….