Liên hoan Trà quốc tế - Nhìn lại để hướng tới

09:01, 21/11/2012

Tròn 1 năm đã trôi qua, nhưng dấu ấn của Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 vẫn còn đó. Và hơn thế, từ thành công của Liên hoan đã mở ra cho tỉnh ta nhiều cơ hội phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Kỳ 1: Phục vụ lâu dài cho sự phát triển kinh tê - xã hội của tỉnh

 

Khi Thái Nguyên được lựa chọn là nơi tổ chức Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất thì việc đầu tư một số công trình, dự án lớn cũng được tăng cường. Điều đáng nói là những công trình này không chỉ phục vụ Liên hoan Trà mà còn phục vụ lâu dài cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

 

Mở hướng phát triển đô thị về phía Tây thành phố

 

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, tỉnh ta đã đầu tư 7 công trình, dự án quy mô lớn, khá lớn, trong đó có nhiều công trình, dự án rất có ý nghĩa trong việc hình thành quy hoạch khu đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên như dự án nâng cấp đường tỉnh 267 dẫn từ T.P Thái Nguyên qua các xã: Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân nối với ĐT 270. Con đường này được nâng cấp, bộ mặt vùng chè trọng điểm của tỉnh (Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân) đã có nhiều khởi sắc.

 

Bà Đào Thị Uyên Thanh, một người dân ở xóm Nam Hưng, xã Tân Cương cho biết: Từ khi ĐT 267 được nâng cấp, việc đi, lại của người dân chúng tôi thuận tiện hơn rất nhiều. Nhất là với những hộ làm chè, có thể vận chuyển chè búp khô với số lượng lớn ra tận trung tâm thành phố bán buôn, bán lẻ. Việc vận chuyển phân bón tới các đồi chè cũng được thuận lợi hơn. Con đường được nâng cấp cũng là điều kiện để người dân chúng tôi đóng góp đối ứng với Nhà nước mở rộng các tuyến đường giao thông liên thôn, xóm… Còn ông Đặng Văn Cần, hàng xóm của bà Thanh thì cho rằng: Từ khi con đường được mở rộng, hàng hóa thông thương thuận lợi, giá trị thu được từ cây chè tăng cao hơn. Trước đây, trung bình 1ha chè cho thu khoảng 80-100 triệu đồng/năm thì nay, có thể thu 120-150 triệu đồng…

 

Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân là những địa phương nằm ngay cạnh công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc. Với cảnh đẹp sơn thủy, hữu tình, trên có đồi chè bát ngát xanh, dưới có hồ Núi Cốc, dòng sông Công, các địa phương này là điểm du lịch sinh thái rất hấp dẫn. Trước đây, khi tuyến ĐT 267, 270 chưa được nâng cấp, du khách tìm về đây tham quan cũng như vào nhà các hộ dân mua chè không nhiều, nhưng nay, số lượng khách du lịch đến đây ngày một đông và sản phẩm của người làm chè chuyên canh vì thế cũng được tôn vinh nhiều hơn. Với sự đóng góp tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, sự ủng hộ của nhân dân, việc mở rộng con đường cũng đã tạo ra một hệ thống cơ sơ vật chất đồng bộ, là cơ sở để T.P Thái Nguyên mở ra hướng phát triển vùng đô thị về phía Tây đầy tiêm năng.

 

Điểm nhấn đầy ấn tượng

 

An tọa ở khu đất rộng trên 2,6ha, Không gian văn hóa trà tô điểm cho vùng chè trọng điểm của tỉnh thêm ấn tượng. Để phục vụ Liên hoan Trà, Không gian văn hóa trà Tân Cương đã hoàn thiện giai đoạn 1 gồm sân trung tâm, không gian sân khấu lễ hội, bãi đỗ xe, khu nhà trung tâm, khu trồng chè lưu niệm, không gian cây xanh và không gian điêu khắc bộ ấm trà gắn gốm lớn nhất Việt Nam. Trước đây, dù được biết là vùng đất “Đệ nhất danh trà”, nhưng tỉnh ta chưa có nơi trưng bày, giới thiệu các tài liệu, hiện vật liên quan đến cây chè của địa phương. Vì thế, nhiều người chưa hiểu nhiều về chè Thái và không mấy quan tâm đến sản phẩm này. Sau Liên hoan, rất nhiều người đã biết đến Không gian văn hóa trà Tân Cương. Các đoàn khách tỉnh bạn đến với Thái Nguyên đều đề nghị được vào thăm quan Không gian văn hóa trà, qua đó họ đã hiểu hơn về chè Thái và có cái nhìn trân trọng hơn với sản phẩm chè Thái.

 

Để phát huy hiệu quả của Không gian văn hóa trà Tân Cương, Bảo tàng Thái Nguyên (đơn vị được tiếp nhận quản lý Dự án này sau Liên hoan) đã xây dựng Phương án Quản lý, khai thác không gian văn hóa chè giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bà Bàn Thị Hà, người xây dựng Phương án cho hay: Nếu Phương án này được phê duyệt, Không gian văn hóa trà sẽ được hoàn thiện về cơ sở vật chất. Theo đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ được kiện toàn; nội thất, đai, tủ, mô hình trưng bày tài liệu, vật liệu, hiện vật được hoàn thiện, phù hợp với nội dung trưng bày. Đặc biệt, chúng tôi sẽ quan tâm tới công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật phù hợp để trưng bày… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành chỉ giới địa điểm du lịch văn hóa, phối hợp với các đơn vị du lịch quảng bá cho Không gian văn hóa trà nhằm thu hút khách thăm quan.

 

Cần có chiến lược dài hơi

 

Bên cạnh những công trình, dự án được hoàn thiện để phục vụ Liên hoan đang phát huy hiệu quả lâu dài thì hiện tại vẫn còn có công trình chưa mang lại hiệu quả thiết thực như Dự án sân khấu chính và khán đài tại xã Phúc Xuân. Được đầu tư với số tiền tương đối lớn, lên tới trên 100 tỷ đồng nhưng từ sau Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất đến nay, nơi này mới chỉ phục vụ thêm một sự kiện là Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK lãnh đạo kháng chiến (tháng 5/2012). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây chỉ là một phần trong quy hoạch của Dự án Khu sinh thái Hồ Núi Cốc của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công. Những phần còn lại bao gồm cả hệ thống khách sạn, khu giải trí được Công ty cam kết sẽ tiếp tục tiến hành đầu tư trong thời gian tới. Khi đó, khu sân khấu, khán đài sẽ là địa điểm hoạt động, kinh doanh tổ chức sự kiện…

 

Để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, tỉnh ta đã phải huy động từ rất nhiều nguồn lực. Do đó, cùng với việc khai thác có hiệu quả các công trình này thì các cấp, ngành liên quan cũng cần có kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng cấp, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

  (Còn nữa)

Ông Vương Sỹ Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên): Tuyến ĐT 267 được nâng cấp, vùng chè Tân Cương thu hút được nhiều du khách trong, ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, để bảo vệ tuyến đường, các cấp, ngành liên quan cần có sự quản lý chặt chẽ, hạn chế các loại xe trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa qua đây…

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Không chỉ là điểm vui chơi cho nhân dân trong xã, 1 năm qua, Không gian văn hóa trà Tân Cương đã thu hút được khoảng trên 10 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó có khoảng 5% khách nước ngoài. Điều đáng nói là hoạt động của Không gian góp phần đưa sản phẩm chè Thái tiếp cận được với thị trường trong, ngoài nước thông qua những du khách này…


 

Kỳ II: Nhận thức của người trồng chè được thay đổi