Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp khai khoáng

09:20, 08/11/2012

Suy giảm kinh tế đang trực tiếp tác động xấu tới các ngành công nghiệp nói chung, trong đó khai khoáng là ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Với Thái Nguyên, nhiều doanh nghiệp từng là đầu tầu trong lĩnh vực trên cũng đang phải gồng mình chống đỡ vì giá nguyên liệu tụt giảm, nguồn tài chính thiếu hụt trầm trọng...

Mấy năm trước đây, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Số lượng các doanh nghiệp lập phương án đầu tư xin cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản tăng theo từng năm. Không ít doanh nghiệp đã đầu tư các dây chuyền luyện kim lên tới cả trăm tỷ đồng với hy vọng đi trước đón đầu, thúc đẩy mạnh nền công nghiệp khai khoáng của tỉnh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2008 trở lại đây, đặc biệt là năm 2012, sự tác động xấu của nền kinh tế thế giới và trong nước đã làm cho bầu không khí của ngành khai khoáng trong tỉnh trở nên ảm đạm hơn. Giá bán các loại khoáng sản tinh trên thị trường thế giới tụt giảm nghiêm trọng. So với hai năm trước, giá trung bình các loại quặng thời điểm này đã giảm khoảng một nửa và dự kiến sẽ còn tiếp tục tụt giảm trong năm 2013.

 

Theo báo cáo chuyên ngành thì từ đầu năm đến nay, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh đạt thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khai thác than, quặng kim loại (lĩnh vực thế mạnh trong ngành khai khoáng của tỉnh) năm nay đều tụt giảm so với những năm trước. Khai thác than cứng và than non của tỉnh tính đến hết tháng 10 mới đạt trên 900 nghìn tấn và bằng khoảng 90% so với cùng kỳ. Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hoà, trung bình mỗi tháng chỉ khai thác được khoảng trên 40 nghìn tấn và chỉ bằng trên 70% so với cùng kỳ năm 2011. Còn đối với Công ty Than Núi Hồng, sản lượng khai thác cũng chỉ bằng khoảng 50% so với năm trước. Khi được hỏi, lãnh đạo hai đơn vị này đều cho rằng nguyên nhân sâu xa của việc tụt giảm chính là giá nguyên, nhiên liệu phục vụ khai thác năm nay tăng chóng mặt trong khi giá bán sản phẩm lại thấp, lượng tiêu thụ ít. Nếu vẫn giữ công suất khai thác như mọi khi thì lượng hàng tồn kho rất lớn.

 

Đối với lĩnh vực khai thác quặng kim loại là sắt và tinh quặng sắt (có trữ lượng và công suất khai thác lớn nhất tỉnh) cũng gặp nhiều khó khăn. Khối lượng sản phẩm quặng và tinh quặng sắt những tháng cuối năm lại càng thụt giảm do thị trường thép đóng băng. Nếu tháng 7 chúng ta đạt sản lượng quặng sắt là trên 19 nghìn tấn, thì tháng 8 chỉ đạt gần 13 nghìn tấn, tháng 10 đạt khoảng 12 nghìn tấn, dự kiến 2 tháng còn lại sẽ không tăng sản lượng so với các tháng trước. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công là 2 đơn vị khai thác quặng sắt khá lớn trên địa bàn nhưng tháng 10 cũng chỉ đạt sản lượng khoảng 70% so với tháng trước.

 

Trong ngành công nghiệp khai khoáng hiện nay lĩnh vực khai thác đá xây dựng, đá vôi và các loại đá có chứa can xi khác dùng để sản xuất vôi, xi măng với sản lượng tăng tới gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự nổi trội của lĩnh vực này chưa thể đủ bù đắp cho sự sụt giảm của các sản phẩm khai khoáng mũi nhọn khác. 

 

Qua khảo sát tại các doanh nghiệp khai khoáng cho thấy hiện nay các doanh nghiệp này, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang để tồn kho một lượng lớn sản phẩm. Điều đó đặt doanh nghiệp vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan”, chấp nhận thực tế phải đứng bên bờ vực phá sản. Ông Nguyễn Văn Tùng, cán bộ phụ trách Nhà máy hợp kim sắt Trung Việt chia sẻ: Đơn vị có mỏ quặng sắt nhưng không dám khai thác hết công suất bởi thời điểm này nếu đưa quặng vào nấu luyện gang càng nhiều thì tỉ lệ lỗ càng lớn bởi giá gang thành phẩm tụt xuống mấy chục phần trăm so với năm trước và so với chi phí luyện kim. Bởi vậy, cả lượng quặng sắt và lượng gang thành phẩm của đơn vị vẫn còn để tồn khá nhiều trong kho.

 

Thời gian qua, các gói giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khai khoáng, nhưng hiệu quả mang lại chưa nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp đều phải tự bươn trải tìm cách vượt qua khó khăn, bám trụ trên thị trường. Điều mà các chủ doanh nghiệp khai khoáng đang phải đau đầu nhất hiện nay là việc huy động tài chính để tiếp tục duy trì và vận hành bộ máy, tránh phải sa thải công nhân. Hầu hết các doanh nghiệp này đều "quá tải" vay vốn ngân hàng, bởi ít nhất mỗi doanh nghiệp đều có mối quan hệ từ 2 đến 4 ngân hàng trên địa bàn. Mặc dù thời gian qua, hệ thống các chi nhánh ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần đã tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp khai khoáng vay vốn (tất nhiên là trong khuôn khổ những quy định chung của toàn ngành), nhưng vì nhu cầu của doanh nghiệp quá cao, trong khi các yêu cầu về đảm bảo vay vốn của từng doanh nghiệp lại chưa thể đáp ứng nên việc tiếp cận vốn còn khó khăn. Bởi vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn được vay vốn ưu đãi; tiếp tục được xem xét giảm, giãn, hoãn thuế theo quy định; giảm phí môi trường, tài nguyên để giải quyết những khó khăn trước mắt. Các doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh có kiến nghị với Chính phủ và tác động cần thiết với các bộ, ngành

 

Trung ương để có những giải pháp ưu đãi đặc biệt cho các hoạt động khai khoáng, bởi đây là ngành công nghiệp chịu tác động mạnh nhất từ những khó khăn của nền kinh tế. Mặt khác, tự thân các doanh nghiệp cũng đang chủ động huy động nguồn lực bên ngoài hoặc tạm thời chuyển hướng đầu tư, giảm lương, giảm nhân công dư thừa, tiết kiệm sản xuất, chi tiêu…để tránh thua lỗ, dẫn tới giải thể.