Tiêu điểm kinh tế thế giới tuần 19 - 25/11

10:03, 25/11/2012

Kinh tế toàn cầu sẽ xấu hơn trong năm 2013, Black Friday giúp chứng khoán Mỹ khởi sắc, Nhật Bản thâm hụt thương mại lớn nhất 30 năm là những thông tin đáng chú ý trong tuần.

 

1. 'Kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu hơn trong năm 2013'

 

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Morgan Stanley nhận định năm sau, kinh tế toàn cầu nguy cơ mắc kẹt trong thời kỳ tăng trưởng chậm chạp, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách hành động nhanh và quyết liệt hơn.

 

Nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng này dự đoán, theo kịch bản bi quan nhất, khủng hoảng sẽ bùng nổ năm 2013 khi GDP toàn cầu giảm 2%. Trong báo cáo, Morgan Stanley cho biết: "Hơn bao giờ hết, triển vọng kinh tế đang phải trông chờ vào động thái của các chính phủ và ngân hàng trung ương".

 

Cũng theo kịch bản này, Mỹ sẽ vượt qua vách đá tài khóa và GDP ba quý đầu năm 2013 sẽ tăng trưởng âm. Còn ở châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ thất bại trong việc giảm lãi suất và phải trì hoãn các chương trình mua trái phiếu.

 

2. PMI Trung Quốc lần đầu tiên trên 50 trong 13 tháng

 

Theo dữ liệu sơ bộ của HSBC và Markit Economics, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc tháng 11 đạt 50,4, nhỉnh hơn so với 49,5 trong tháng 10. Đây cũng là lần đầu tiên trong 13 tháng qua, chỉ số này trên 50 và là tín hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hồi phục sau 7 quý tăng trưởng ì ạch.

 

Số liệu khả quan này có thể là khởi đầu tốt đẹp cho ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, mở đường cho ông Lý Khắc Cường lên đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3 năm sau, và giảm khả năng nước này phải tung thêm kích thích tiền tệ.

 

Qu Hongbin, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại HSBC Hong Kong cho biết: "Đà phục hồi kinh tế sẽ còn tiếp tục. Tuy nhiên, đây mới là giai đoạn đầu và tăng trưởng toàn cầu vẫn còn rất mong manh".

 

3. Thâm hụt thương mại Nhật Bản lớn nhất 30 năm

 

Theo số liệu được Bộ Tài chính nước này công bố ngày 21/11, xuất khẩu 10 tháng đầu năm của Nhật Bản chỉ đạt 653 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong 3 năm. Thâm hụt thương mại tháng 10 cũng lên cao kỷ lục 30 năm với 549 tỷ yen (6,7 tỷ USD). Việc này càng làm dấy lên những lo ngại Nhật Bản đang dần rơi vào suy thoái.

 

Thương mại Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đồng yên mạnh và căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc trong thời gian qua. Xuất khẩu ôtô của nước này sang Trung Quốc giảm 82% so với cùng kỳ.

 

Nhiều nhà kinh tế dự đoán Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm trong quý cuối năm nay. Nếu đúng, đây sẽ là cuộc suy thoái lần thứ ba của nước này trong 15 năm qua. Kiichi Murashima, nhà kinh tế trưởng của Citigroup Tokyo cho biết: "Kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái. Áp lực chính trị nhằm nới lỏng tiền tệ đang tăng lên, và chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ có thêm nhiều biện pháp vào tháng 1 năm sau".

 

4. Ngày hội mua sắm Black Friday ở Mỹ

 

Ngày thứ Sáu đen (Black Friday) là lễ hội mua sắm lớn nhất trong năm của người Mỹ, mở màn cho mùa shopping trước Lễ Giáng sinh. Sau ngày Lễ Tạ ơn (thứ Năm thứ 4 của tháng 11), các cửa hàng, siêu thị trên khắp nước Mỹ sẽ đồng loạt mở cửa sớm, tung khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng.

 

Năm nay, một số hãng bán lẻ như Wal-Mart, Sears hay Toys R Us đều mở cửa sớm vào 8 giờ tối ngày hôm trước (Lễ Tạ Ơn), thay vì 4 giờ hay 5 giờ sáng như nhiều nơi. Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ dự đoán sẽ có khoảng 147 triệu người tham gia vào ngày hội mua sắm này. Tổng cộng, doanh thu từ dịp lễ năm nay sẽ đạt kỷ lục 586 triệu USD, tăng 4,1% so với năm ngoái.

 

Black Friday cũng giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh ngày 23/11. Dow Jones tăng 1,35%, Nasdaq lên 1,38% và S&P 500 là 1,3%. Đây là tuần tăng điểm mạnh nhất của S&P 500 kể từ tháng 6. Cổ phiếu của các hãng bán lẻ cũng khởi sắc với Macy’s (1,8%), Bed Bath (2,1%) và Best Buy (1,5%).

 

5. Pháp bị Moody's hạ tín nhiệm

 

Ngày 19/11, hãng đánh giá tín dụng Moody's đã hạ một bậc tín nhiệm của Pháp từ Aaa xuống Aa1. Hãng này cho rằng tình hình tài khóa ở đây sẽ bất ổn do "tiềm năng tăng trưởng kém". Triển vọng của Pháp cũng bị giữ nguyên ở mức tiêu cực do "mất lợi thế cạnh tranh bền vững".

 

Việc này sẽ khiến Pháp gặp rất nhiều khó khăn, do các quỹ đầu tư luôn đòi hỏi tài sản họ mua phải nằm trong hai vị trí đầu tiên của các hãng xếp hạng. Axel Merk, Chủ tịch Merk Investments ở Palo Alto, bang California cho biết: "Tôi không ngạc nhiên về việc này. Pháp đang phải trả giá vì không chịu cải tổ. Tôi không biết đây có phải là tiếng chuông cảnh tỉnh cho Pháp hay không. Vì nhiều số liệu kinh tế của nước này đã giảm sút, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để các chính trị gia bảo thủ thay đổi quan điểm".