Việt Nam đi qua suy giảm kinh tế toàn cầu một cách tích cực

17:01, 15/11/2012

Trái ngược với hầu hết các nước láng giềng trong khu vực mới nổi của châu Á, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức hai con số, đi qua giai đoạn suy giảm kinh tế toàn cầu một cách khá tích cực.

 

Đó là ý kiến đã được Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC đưa ra tại Báo cáo Triển vọng Kết nối giao thương Việt Nam công bố chiều ngày 14/11.

 

Năm 2011, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Từ khi ký kết Hiệp ước Thương mại song phương Việt - Mỹ và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp mặt hàng quần áo và giầy dép lớn thứ hai cho thị trường Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Những năm gần đây, điện thoại di động và các phụ kiện liên quan dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm hơn 10% sản lượng xuất khẩu.  Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2013, mặt hàng này sẽ vượt qua sản phẩm may mặc trở thành nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

 

Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức hơn 10% mỗi năm cho đến cuối năm 2030 với việc xuất khẩu sang các nước mới nổi của châu Á, khu vực Trung Đông và châu Phi. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Kế hoạch mở rộng Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN, tiến tới xóa bỏ rào cản thuế quan ở tất cả các mặt hàng vào năm 2015 sẽ là một nhân tố hỗ trợ nữa cho mậu dịch giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

 

Cùng với việc xuất khẩu tăng mạnh, Báo cáo của HSBC cũng nhận định, Việt Nam sẽ trở thành nhà nhập khẩu với quy mô lớn. Báo cáo về Chỉ số Tin cậy thương mại của HSBC gần đây cho thấy niềm tin của các DN XNK Việt Nam đã giảm nhẹ trong 6 tháng qua. Các thương nhân Việt Nam cũng có cái nhìn kém lạc quan hơn so với khảo sát 6 tháng trước đây khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế toàn cầu.