Đập Quặng Đuôi là vị trí xả thải số 1 và duy nhất trong hoạt động khai thác quặng sắt tại Mỏ sắt Trại Cau (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) hiện nay. Thời gian qua, việc không hoàn thành nhiệm vụ nạo vét và tận thu quặng sắt tại đập Quặng Đuôi của doanh nghiệp được cấp phép là Công ty CP Đức Hạnh (Phú Thọ) đã dẫn đến nguy cơ phải dừng sản xuất của Mỏ sắt Trại Cau.
Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nếu không nhanh chóng tiến hành nạo vét và xử lý đập Quặng Đuôi kịp thời thì không chỉ trên 300 người lao động của Mỏ sắt Trại Cau phải nghỉ việc mà có khả năng đời sống của gần 6.000 công nhân, lao động thuộc Công ty bị ảnh hưởng theo. Nói thế bởi nguyên liệu chính phục vụ luyện gang và các hoạt động sản xuất thép của Công ty hiện tại chủ yếu dựa vào sản lượng khai thác quặng sắt của Mỏ sắt Trại Cau. Việc không có chỗ đổ thải, Mỏ phải dừng hoạt động đương nhiên Công ty sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, từ đó kéo theo tình trạng sản xuất đình trệ. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Mỏ sắt Trại Cau hiện đang đề nghị chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Đức Hạnh vì đơn vị này không có khả năng thực hiện tiếp hợp đồng. Đồng thời, sẽ sớm tổ chức đấu thầu tìm doanh nghiệp có đủ năng lực, phương án sản xuất hiệu quả nhất vào hoạt động tại khu vực đập Quặng Đuôi.
Đập Quặng Đuôi có sức chứa 1,8 triệu mét khối bùn thải. Mỗi tháng từ hoạt động tuyển khoáng, trung bình Mỏ sắt Trại Cau thải ra đập khoảng 50 nghìn mét khối bùn thải. Lượng bùn thải hiện đã ở mấp mé mặt đập, dự tính với khối lượng thải trung bình như hiện nay thì chỉ còn khoảng 4 đến 5 tháng nữa là đầy, phải dừng việc đổ thải. |
Trước đây, Công ty và Mỏ đã hợp đồng với một vài đơn vị trong tỉnh nạo vét thường xuyên tại đập Quặng Đuôi, song trước nhu cầu sản xuất ngày càng lớn, Công ty đã chấp thuận để Công ty CP Đức Hạnh vào đầu tư. Ông Vi Trần Dương, Phó Giám đốc Mỏ sắt Trại Cau cho biết: Trước khi được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và được chúng tôi ký hợp đồng, Công ty CP Đức Hạnh đã trình bày một phương án đầu tư sản xuất quá hoàn hảo mà trước đây chưa đơn vị nào làm được, đó là không chỉ nạo vét lòng đập, sàng tuyển, tận thu lại quặng sắt chưa khai thác hết mà còn xây dựng nhà máy sản xuất gạch từ bùn thải đã qua xử lý. Tuy nhiên, khi vào thực hiện (bắt đầu tư năm 2010) Công ty CP Đức Hạnh đã bộc lộ những nhược điểm cả về năng lực tài chính lẫn quy trình tổ chức đầu tư. Mặc dù chưa hoàn tất các thủ tục thuê đất, đánh giá tác động môi trường, nhưng đơn vị này đã tiến hành đầu tư (thuê đất tạm của một hộ dân). Việc đầu tư kiểu chộp giật, nửa vời đó đã để lại hậu quả là gần 3 năm qua, lòng đập không được nạo vét, khoáng sản không được tận thu, bùn thải ứ đọng, dư luận nhân dân bất bình, chủ Mỏ lo lắng…
Có mặt tại khu vực đập Quặng Đuôi, chúng tôi nhận thấy Công ty CP Đức Hạnh đã tháo gỡ máy móc thiết bị, phần đất thuê tạm của người dân đã được trả lại để trồng rừng thay thế. Phía Công ty này chỉ còn bố trí một nhân viên bảo vệ trông coi tại đây. Như vậy, tất cả mọi hoạt động của Công ty CP Đức Hạnh đều phải dừng lại để chờ giải quyết hợp đồng với phía Mỏ sắt Trại Cau. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty CP Đức Hạnh cho rằng: Đơn vị được tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án tại khu vực đập Quặng Đuôi nên nếu chấm dứt hợp đồng thì trước đó tỉnh phải làm thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đã ký. Còn phía Mỏ sắt Trại Cau, ông Vi Trần Dương, Phó Giám đốc khẳng định: Chúng tôi quyết tâm giải quyết dứt điểm vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật. Không thể chỉ vì một đơn vị hợp đồng làm thuê không đủ năng lực mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống công nhân của cả Công ty.
Phía Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, một mặt đang thúc đẩy thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với Công ty CP Đức Hạnh, mặt khác tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư có đủ năng lực để sẵn sàng tham gia xử lý bùn thải tại đập Quặng Đuôi. Hiện tại đã có một số đơn vị tham gia đấu thầu và trình bày các phương án tận thu và xử lý bùn thải khả thi tại khu vực này. Ông Hoàng Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết: Công ty đang đề nghị với tỉnh và các ngành chức năng quan tâm cùng phối hợp giải quyết dứt điểm vấn đề này, làm sao tránh tối đa thiệt hại cho Công ty, đồng thời góp phần đảm bảo giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Theo chúng tôi, việc giải quyết vấn đề này là rất quan thiết không chỉ đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên mà với cả chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết cũng rất cần sự công khai, minh bạch cả trong việc xử lý hợp đồng với đối tác thực hiện trước đó lẫn các đơn vị đấu thầu thực hiện dự án sau này trên cơ sở trình tự và quy định của pháp luật.