Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam: Chất lượng làm thay đổi thói quen

07:44, 27/02/2013

Trước đây, khi nói đến vấn đề người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng ta thường cho rằng chỉ cần thay đổi thói quen “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng (NTD) là đủ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cái gì cũng có hai mặt, bởi thế muốn thay đổi được thói quen phổ biến của NTD thì trước hết các nhà sản xuất trong nước phải thực sự quan tâm đến chất lượng hàng hóa làm ra.

Tâm lý chung của phần đông NTD Việt Nam hiện nay, hàng ngoại vẫn là lựa chọn an tâm nhất. Có lẽ sự ẩu thả, xem nhẹ chất lượng hàng hóa của không ít doanh nghiệp nội địa đã khiến NTD xa lánh dần với hàng sản xuất trong nước. Thời gian qua, các cơ quan thông tin đại chúng đã phản ánh nhiều trường hợp hàng hóa nội địa phẩm cấp thấp, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây thiệt hại đáng kể cho NTD. Nhiều loại hàng hóa bị làm giả, làm nhái được bày bán công khai ngoài thị trường khiến NTD giảm hẳn lòng tin với hàng Việt. Theo chúng tôi, có lẽ đó là nguyên do cơ bản và nguyên do đó xuất phát từ chính vấn đề chất lượng hàng hóa. Các chuyên gia về thị trường cho rằng, cốt lõi của vấn đề vận động người dân trong nước sử dụng hàng nội phải nhìn từ vai trò của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm. Khi chất lượng sản phẩm của chúng ta được đảm bảo với mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý thì chắc chắn phần đông NTD sẽ không có lý do gì lại chọn hàng ngoại. Dù có tuyên truyền mạnh về tiêu thụ hàng nội đến đâu thì cuối cùng đọng lại vẫn phải là giá trị sử dụng của hàng hóa đó như thế nào.

 

 

Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều hàng hóa mang thương hiệu Việt đang được NTD trung thành sử dụng như các sản phẩm bột giặt cao cấp, hàng may mặc, gia dụng, lương thực thực phẩm và các đồ nhu yếu phẩm cần thiết khác. Tại Thái Nguyên, một số sản phẩm do doanh nghiệp địa phương sản xuất đã và đang tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa nhiều năm qua bởi chất lượng đảm bảo. Có thể kể ra một số sản phẩm như xi măng La Hiên, thép TISCO, hàng may mặc TNG, miến Việt Cường, chè xanh Tân Cương…

 

Những năm gần đây, không chỉ người dân trong tỉnh mà gần như NTD cả nước đều biết đến thương hiệu quen thuộc “miến Việt Cường”. Hiện tại, sản phẩm này đã có mặt ở gần 5.000 cửa hàng, siêu thị khắp cả nước, trong đó có hệ thống các siêu thị lớn như: Co.op T.P Hồ Chí Minh, Intimex Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, siêu thị Đabaco Bắc Ninh… Từ sản xuất thủ công tự phát của một số hộ dân nông thôn thuộc xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đến nay, đã trở thành Hợp tác xã Miến Việt Cường. Hợp tác xã đã được hỗ trợ trang bị máy móc hiện đại, người lao động được đào tạo kỹ thuật bài bản cộng với kinh nghiệm sản xuất truyền thống đã cho ra đời sản phẩm miến chất lượng cao. Từ lúc chỉ bán thô, chưa đóng gói với giá 20.000 đồng/kg, đến nay sản phẩm đã có bao bì đẹp, được kiểm duyệt an toàn vệ sinh thực phẩm kỹ lượng và bán với giá 60.000 đồng/kg. Sản phẩm miến Việt Cường đã tham gia nhiều hội chợ triển lãm tôn vinh hàng Việt và mới đây đã đọat 2 giải về sản phẩm công, nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực. Anh Nguyễn Văn Ba, Chủ nhiệm Hợp tác xã tâm sự: Để NTD trong nước chấp nhận sản phẩm của mình thì trước hết phải cho họ thấy sản phẩm của mình có chất lượng thế nào. Từ nhận thức đó, chúng tôi không ngừng nâng cao phẩm cấp hàng hóa, cải tiến mẫu mã, nhãn hiệu và đảm bảo giá cả, hướng tới đa số NTD bình dân. Nhờ vậy mà mỗi năm, Hợp tác xã  tiêu thụ hàng chục nghìn tấn miến, lợi nhuận thu về hàng tỷ đồng.

 

Còn đối với sản phẩm may mặc mang thương hiệu TNG thời gian gần đây cũng đã chiếm được sự mến mộ của khá nhiều NTD trong nước. Từ trước đến nay, người ta biết đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với các sản phẩm may xuất khẩu, nhưng hiện tại, NTD trong nước lại biết đến thương hiệu này với các sản phẩm may mặc hợp thời trang, giá cả lại hợp lý. Chủ tịch HĐQT Công ty, ông Nguyễn Văn Thời chia sẻ: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi đã góp vốn thành lập Công ty CP thời trang TNG. Nhưng do mới thâm nhập thị trường nội địa lại phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập lậu, trốn thuế, nên lúc đầu gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa thương hiệu TNG trở thành “Niềm tự hào của người dân Việt Nam”, Công ty đã hợp tác với các nhà thiết kế thời trang trẻ, giỏi về chuyên môn để cho ra đời những mẫu mã sản phẩm hợp thời trang, đáp ứng được thị hiếu của NTD nội địa. Các sản phẩm phục vụ thị trường trong nước của TNG ra đời được nhiều NTD đón nhận vì phong cách, kiểu dáng phù hợp, giá cả lại rẻ, được bảo hành lâu dài. Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, các cửa hàng bày bán sản phẩm TNG trong tỉnh đều đông nghẹt người dân đến mua hàng đã cho thấy thành công bước đầu của dòng sản phẩm này khi mới bước chân vào thị trường nội địa. Chỉ sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, Công ty CP Thời trang TNG đã có doanh thu trên 11 tỷ đồng và xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm toàn miền Bắc.

 

Như vậy, chỉ cần thông qua hai trường hợp kể trên cũng có thể thấy được vai trò của doanh nghiệp cũng như chất lượng, mẫu mã sản phẩm mà doanh nghiệp đó tung ra thị trường có ý nghĩa quyết định thế nào đối với thói quen sử dụng của NTD nội địa. Đây cũng là vấn đề mà không chỉ các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn mà ngay cả các nhà sản xuất cũng phải đặc biệt quan tâm bởi muốn thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thay đổi thói quen “sính hàng ngoại” của NTD trong nước thì nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn phải là số 1.