Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

15:23, 23/03/2013

Với hàng trăm ha rừng và đồng cỏ tự nhiên là điều kiện vô cùng thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tuy nhiên, việc thả rông gia súc trên núi và chăn nuôi quy mô gia đình theo hình thức manh mún khiến công tác thú y gặp nhiều khó khăn nên số lượng đàn gia súc trên địa bàn phát triển không ổn định. Để khắc phục thực trạng này, Trạm Thú y huyện đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh.

Hẳn người dân Định Hóa chưa quên thiệt hại nặng nề do dịch tụ huyết trùng bùng phát tại xã Thanh Định vào tháng 9/2010 làm gần 40 con trâu bị chết. Tiếp đó, dịch lở mồm long móng (LMLM) xảy ra đầu năm 2011 đã làm gần 1 nghìn con trâu bò, lợn bị chết, thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng. Sau 2 đợt dịch, nhiều gia đình hoang mang, bỏ hoặc tạm dừng không chăn nuôi nữa. Số lượng đàn gia súc của huyện đã giảm từ 15 nghìn con (năm 2010) xuống còn trên 9 nghìn con. Sở dĩ có thiệt hại nặng nề như vậy là do công tác phòng chống dịch bệnh đã chưa được quan tâm đúng mức. Ông La Văn Tám, Trưởng trạm Thú y huyện khẳng định: "Muốn phát triển chăn nuôi, công tác thú y phải luôn song hành. Thực tế các đợt dịch trên địa bàn đều không xảy ra đối với các trang trại chăn nuôi lớn bởi họ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh".

 

 

Do còn nhiều người chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của công tác thú y nên dù được hỗ trợ 100% tiền vắc xin tiêm phòng trong chăn nuôi (trừ vắc xin phòng dại), song việc tiêm phòng dịch cho đàn gia súc trong những năm qua vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng đàn trâu bò của huyện chỉ đạt khoảng 80%, ở đàn chó đạt thấp, từ 35-40%.

 

Nhằm giải quyết những tồn tại kể trên, ngay từ đầu năm 2013, Trạm Thu y huyện đã tổ chức tập huấn cho các tổ trưởng thú y các xã, thị trấn, đồng thời tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: phát tờ rơi; phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện mở các chuyên mục hướng dẫn cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt việc thông báo lịch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên hệ thống loa truyền thanh xã và cụm loa của xóm để người dân nắm được.

 

Anh Lưu Văn Hải, cán bộ thú y xã Bảo Linh chia sẻ: "Ở Bảo Linh, tuyên truyền về công tác thú y thường xuyên được lồng ghép trong các cuộc họp ở từng xóm hoặc các buổi sinh hoạt đoàn thể. Do vậy mà ý thức phòng chống dịch của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Trước đây việc người dân bán chạy gia súc, gia cầm bị ốm, bị chết rất khó quản lý, có trường hợp gia đình có vật nuôi bị chết, mình đến vận động họ chôn, nhưng họ bảo đấy là tất cả tài sản của họ, giờ rẻ họ cũng bán để mong thu lại phần nào tiền gốc đầu tư, khó nói lắm. Nhưng đến nay  do được tuyên truyền nhiều nhận thức của bà con đã thay đổi.

 

Anh Ma Lăng Thắng, xóm Bảo Biên 1, xã  Bảo Linh cho biết: Nhà tôi có tất cả 19 con lợn, đầu tháng 2 vừa qua, tự nhiên có 2 con bỏ ăn, đến ngày thứ 2, một con chết. Hôm trước thấy trên loa nói đang là mùa có dịch, tôi sợ con lợn ốm sẽ lây bệnh sang cả đàn, tôi vội báo với thú y viên của xóm, chiều hôm đó anh Lưu Văn Hải cán bộ thú y xã và cán bộ Trạm Thú y huyện đã đến kiểm tra và tiêm cho con lợn ốm còn lại. Sau đó đã phát thuốc và hướng dẫn để tôi phun thuốc khử trùng, tiêu độc, rắc vôi xung quang chuồng trại. Mấy hôm sau con lợn ốm đã ăn trở lại và khỏi bệnh, cả đàn lợn được an toàn. Vừa rồi tôi đã tiêm phòng cho cả đàn lợn để phòng bệnh.

 

Để công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, Trạm Thú y huyện còn phối hợp với Khoa Chăn nuôi thú y của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức tiếp nhận 2 lớp sinh viên năm thứ 3 về thực tập tại địa phương. Các sinh viên này sẽ cùng với đội ngũ thú y viên cơ sở rà soát số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, hỗ trợ phun thuốc khử trùng, tiêu độc, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại đúng cách, nhất là tại những nơi có nguy cơ cao để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh. Đây cũng sẽ là lực lượng tuyên truyền viên hùng hậu giúp người dân có thêm kiến thức để chăn nuôi đúng cách.

 

Theo ông La Văn Tám, hiện đang là thời điểm giao mùa nóng, ẩm cộng với mua phùn là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh trên đàn gia súc xuất hiện và lây lan. Để chủ động với những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh dễ có khả năng bùng phát như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm..., năm nay, ngoài việc chủ động trong công tác tuyên truyền theo chủ trương chung của tỉnh, đợt 1 tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm được huyện Định Hóa thực hiện sớm hơn mọi năm gần 1 tháng, bắt đấu từ  tháng 2 thay vì tháng 3 như mọi năm. Đến nay, Trạm đã tiếp nhận trên 8 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng; 22 nghìn liều phòng dịch tả, tụ dấu lợn; 10 nghìn liều lở mồm long móng và 5 nghìn liều vắc xin phòng dại chó và phân bổ về cho các xóm.

 

Định Hóa phấn đấu tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao nhất, với mong muốn giúp cho ngành chăn nuôi của huyện phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.