Đầu tư vào cụm công nghiệp: Nhiều dự án chỉ “đánh trống ghi tên”

08:47, 20/03/2013

Hiện tại chỉ có 26/59 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh là đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, số còn lại hoặc chậm đầu tư, khó khăn về giải phóng mặt bằng, hoặc chưa “động tĩnh” gì. Điều đáng nói nữa là có một số CCN đã chuyển giao tới vài dự án đầu tư khác nhau nhưng rút cuộc “đất trống vẫn hoàn đất trống”.

Khi chủ dự án phải tự lo hạ tầng

Chạy đôn chạy đáo vất vả nhiều tháng qua, nhưng giờ đây Doanh nghiệp Tư nhân Việt Cường vẫn chưa thể hoàn tất việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án đầu tư tại CCN Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên). Doanh nghiệp này đã bỏ ra hàng tỷ đồng phối hợp cùng chính quyền địa phương bồi thường cho các hộ dân trong diện ảnh hưởng, nhưng hiện vẫn còn vướng mắc một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng. Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất bê tông và gạch ngói Cao Ngạn do Doanh nghiệp này đăng ký đầu tư vào CCN Cao Ngạn từ năm 2011 với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 100 tỷ đồng, diện tích 4,1ha. Ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Chúng tôi có đủ vốn đầu tư và mong muốn đầu tư sớm, nhưng vì CCN chưa có hạ tầng sạch nên buộc đơn vị phải đầu tư cả hạ tầng lẫn dự án. Bởi thế quá trình đầu tư mới kéo dài như vậy.

 

Tương tự là trường hợp của Công ty CP Hoàng Long - đơn vị cũng đăng ký đầu tư vào CCN Cao Ngạn. Công ty này đã gặp rất nhiều khó khăn về bồi thường GPMB nên hiện đã dừng các hoạt động đầu tư. Được biết, trước đó đã có một dự án đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí đúc của Công ty CP Đại Thắng đăng ký triển khai tại đây, nhưng do khó khăn nên đã trả lại dự án để Công ty CP Hoàng Long thế chỗ triển khai dự án mới. Giám đốc Công ty CP Hoàng Long, ông Bùi Quang Huân chia sẻ: Việc chúng tôi chưa thể đầu tư là do ở đây còn nhiều hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường GPMB của tỉnh, thành phố. Bởi thế mà mấy năm nay doanh nghiệp không thể đầu tư, triển khai dự án.

 

Tại CCN Động Đạt - Đu (Phú Lương), hai dự án đăng ký đầu tư là Nhà máy luyện cốc Thịnh Châu của Công ty CP Quý Châu và Xưởng chế biến gỗ của Doanh nghiệp Vũ Hòa với tổng diện tích 20,7ha cũng không thể triển khai bởi chưa có hạ tầng CCN. Đại diện 2 doanh nghiệp này cho biết, do có nhà đầu tư đăng ký xây dựng hạ tầng CCN nên chúng tôi mới đợi để thuê mặt bằng sạch. Tuy nhiên, đợi mấy năm liền không có hạ tầng nên chúng tôi đành chuyển hướng đầu tư…

 

Điểm lại trên địa bàn tỉnh hiện nay, ngoài 13 CCN có nhà đầu tư hạ tầng thì cơ bản số còn lại đều do các doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án phải lo luôn cả xây dựng hạ tầng. Thực tế có một số chủ đầu tư hạ tầng CCN phải bỏ giữa chừng hoặc xin trả lại dự án vì không có khả năng triển khai tiếp. Gần đây nhất có một số dự án hạ tầng CCN như: CCN Khuynh Thạch (T.X Sông Công), Nam Hòa (Đồng Hỷ), Phú Lạc (Đại Từ), Sơn Cẩm (Phú Lương)… đã được nhà đầu tư trả lại.

 

Và nghịch lý: Có hạ tầng, đất vẫn để trống

 

Có một thực tế đang tồn tại là hiện nay, trong khi nhiều chủ dự án phải tự lo hạ tầng hoặc mong mỏi có hạ tầng sạch để đầu tư vào các CCN thì tại CCN số 3 Cảng Đa Phúc (diện tích 23ha) dù đã được xây dựng hạ tầng đầy đủ nhưng gần như chưa có nhà đầu tư nào đến thuê đất. Dự án này được Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế (ICT) bỏ vốn trên 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng. Vì có vị trí khá thuận lợi (nằm cạnh cảng đường sông, sát Quốc lộ 3 cũ, giáp ranh với Thủ đô Hà Nội và gần sân bay quốc tế Nội Bài) nên lúc đầu đã có tới 6 dự án đăng ký thực hiện tại đây. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai hoàn thiện, các đơn vị đăng ký đã “một đi không trở lại” dù giá cả thuê đất khá hợp lý. Hiện tại, Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế đang gặp nhiều khó khăn do để đọng vốn quá nhiều tại CCN mà chưa có điều kiện thu hồi.

 

Dù đã có dự án vào đầu tư, song tạ CCN số 1, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) vẫn còn nhiều phần đất trống chưa có doanh nghiệp đến thuê. CCN trên do Công ty CP Xây dựng phát triển nhà Song Điền đầu tư hạ tầng với diện tích gần 69ha, vốn thực hiện 149 tỷ đồng. Là CCN được quy hoạch từ năm 2002 và triển khai hạ tầng cũng rất sớm, nhưng thực tế việc thu hút dự án đầu tư vào đây gặp nhiều khó khăn. Như vậy, mục tiêu lấp đầy 80% diện tích trong giai đoạn 2014 - 2015 như dự kiến của CCN này là không dễ thực hiện.

 

Vấn đề đáng bàn về quy hoạch và năng lực chủ dự án

 

Hiện tại, toàn tỉnh đang có 31 CCN nhưng đến nay chỉ có 5 CCN đã lấp đầy dự án. Theo quy hoạch, trước mắt tỉnh vẫn duy trì 31 CCN này và tạm dừng việc phát triển thêm các CCN khác theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy vậy, về lâu dài, trong quy hoạch xây dựng CCN đến năm 2020, tỉnh ta vẫn bố trí quỹ đất tại mỗi địa phương để có thể xây dựng CCN khi có nhu cầu. Đây có thể coi là bước quy hoạch mang tính dài hơi và phù hợp với thực tế bởi trước những khó khăn hiện tại thì việc tiếp tục phát triển thêm các CCN mới sẽ gây lãng phí đất đai, hiệu quả đầu tư thấp. Phát triển số lượng là rất quan trọng, song chất lượng vẫn được xem là số 1. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cũng phải thừa nhận, ngoài một số CCN trên địa bàn đã đảm bảo các yếu tố quy hoạch, vẫn còn nhiều CCN có điều kiện vị trí địa lý hạn chế, khó có thể phát triển đa dạng các lĩnh vực, nhất là tại một số huyện vùng cao, miền núi.

 

Một vấn đề đặt ra nữa là để đầu tư hạ tầng một CCN với diện tích hàng chục héc ta thì kinh phí bỏ ra sẽ không nhỏ, có dự án lên đến cả trăm tỷ đồng. Cũng bởi thế mà nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng về vốn đành phải “bỏ rơi” dự án. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư thực hiện dự án tại CCN sau khi đăng ký để “giữ đất” đã không triển khai được bởi thiếu thực lực. Nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, doanh nghiệp phải lo xoay vòng vốn để duy trì hoạt động đã khó rồi, nói gì đến đầu tư dự án mới. Bởi vậy, cả năm 2012 gần như không có dự án nào đầu tư mới tại các CCN của tỉnh…

 

Đăng ký đầu tư vào CCN, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi hơn so với đầu tư ngoài CCN nên nhiều nhà đầu tư đã “đánh trống ghi tên” khi có CCN được quy hoạch. Theo Luật Đầu tư thì trong vòng 12 tháng doanh nghiệp không khởi động đầu tư thì sẽ bị thu hồi Giấy phép. Thực tế thì từ trước đến nay gần như tỉnh ta chưa thu hồi Giấy phép của doanh nghiệp nào để chậm tiến độ khi triển khai dự án trong CCN, có chăng chỉ là đề nghị chủ dự án cũ (không còn khả năng đầu tư nữa) thỏa thuận với chủ dự án mới để bàn giao dự án. Bởi thực tế, nếu thu hồi thì cũng chưa có nhà đầu tư mới để thế chỗ… Từ thực trạng này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, về việc lựa chọn doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án tại các CCN trên địa bàn tỉnh, tránh hậu quả lãng phí đất đai như hiện nay.

 

Box: Danh sách các dự án đăng ký nhưng chậm hoặc chưa triển khai đầu tư tại các CCN trên địa bàn tỉnh: Nhà máy bột ôxit kẽm của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Nhật Huyền (CCN Cao Ngạn); Nhà máy kẽm kim loại của Công ty Xây dựng và Khoáng sản Đông Bắc (CCN Điềm Thụy); Nhà máy gạch tuynel của Doanh nghiệp Phú Đạt, Nhà máy sản xuất ngói tráng men của Công ty CP Kim Thái (CCN Sơn Cẩm); Nhà máy thép của Công ty Sản xuất và Thương mại Quyết Hợp, Nhà máy thép của Công ty TNHH Thắng Đạt (CCN số 3 Cảng Đa Phúc); Nhà máy gốm sứ Thái Nguyên của Công ty TNHH đúc Vạn Thông Việt Trung (CCN Phú Lạc); Nhà máy chế biến gỗ và sản xuất gạch của Công ty CP Lan Thái (CCN Trúc Mai)…