Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp

08:18, 27/03/2013

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như năm 2001, tỷ trọng FDI đầu tư vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam thì đến năm 2012, con số này chỉ còn 0,6%, với 87,8 triệu USD.

Xu hướng ngày càng giảm

 

Trong những năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được những thành tựu nhất định, bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành nông nghiệp. Qua đó, bước đầu đã góp phần thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của hàng hóa nông lâm thủy sản.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu những năm 1990, đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu vào các dự án chế biến gỗ và các loại lâm sản. Từ những năm 1995 đến nay, đầu tư nước ngoài có sự chuyển hướng sang đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông lâm thuỷ sản, sản xuất đường mía, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng và sản xuất nguyên liệu giấy, dịch vụ hậu cần kho lạnh, vận chuyển…

 

Từ năm 2010, Việt Nam đưa ra tiêu chí mới về phân loại lại nhóm ngành, do đó các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản ghép vào với các dự án đầu tư nước ngoài của các lĩnh vực chế biến khác. Theo cách phân loại mới này, số lượng dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp giảm. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như năm 2001, tỷ trọng FDI đầu tư vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam thì đến năm 2011 giảm còn 1%, và năm 2012, con số này chỉ còn 0,6%, với 87,8 triệu USD.

 

Thực tiễn cho thấy, tỷ trọng đầu tư nước ngoài cả nước có xu hướng tăng, nhưng trong thời gian qua dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn hạn chế, quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này thể hiện đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng cũng như thế mạnh phát triển của Việt Nam, mặc dù trong tổng thể chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được coi là lĩnh vực khuyến khích đầu tư.

 

Vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội

 

Nhìn chung, đầu tư vào nông nghiệp thường mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, bệnh dịch cũng như sử dụng nguồn lực đất đai lớn. Mặt khác, đầu tư vào nông nghiệp có tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm. Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài ít đầu tư và sản xuất, kinh doanh mà tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của nước ta còn mang nặng tính chất sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp, ruộng đất manh mún, đầu tư phân tán, thiếu tính chuyên môn.

 

Công tác vận động xúc tiến đầu tư nước ngoài lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa có hiệu quả, thiếu cả về nguồn lực và kinh phí để triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Định hướng thu hút chính sách đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và phát triển nông thôn chưa đồng bộ và thiếu rõ ràng, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy còn có những thách thức và khó khăn đối với đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp, nhưng khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là rất cao và khả quan bởi vì Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh đồng thời hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Bên cạnh các lợi thế về tự nhiên, con người, dân số đông, sức mua lớn, Việt Nam là nước đang phát triển, ổn định về chính trị. Việt Nam cũng là một quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu trên thế giới (như mặt hàng gạo, cao su, cà phê, chè, tiêu, điều, thủy sản, sản phẩm gỗ…), thị trường rộng với trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm qua. Nếu như năm 2011 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt trên 25 tỷ USD, thì năm 2012, tuy nền kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhưng con số này vẫn đạt khoảng 27 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2011. Đặc biệt, cà phê của Việt Nam đã vượt qua Braxin, vươn lên đứng vị trí đứng đầu thế giới; xuất khẩu gạo cũng vươn lên đứng đầu thế giới về lượng. Đây là một lợi thế của Việt Nam để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp.

 

Cần thực hiện tốt một số giải pháp

 

Để thu hút và quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới, trước hết, cần tập trung vào dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả đất đai. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước; thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Hoàn thiện các văn bản pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch hoá, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cao nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư khác trong đó có đầu tư công - tư. Khuyến khích các địa phương, giới doanh nhân và các đối tác phát triển tham gia tích cực và chủ động hơn nữa vào các hoạt động đầu tư, tư vấn kỹ thuật, góp ý xây dựng chính sách, tạo điều kiện tốt hơn nữa để nông dân tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động sản xuất và phát triển với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước.

 

Cần rà soát, đánh giá lại đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để đề xuất các cơ chế và chính sách phù hợp. Tăng cường công tác thông tin, thống kê, thống nhất biểu mẫu liên kết giữa các bộ và các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở kế hoạch và đầu tư của các tỉnh và thành phố, khu công nghiệp, khu chế xuất; cải thiện và tăng cường chế độ báo cáo.