Gian nan đầu ra cá tầm

09:03, 19/03/2013

Tỉnh đã thành công trong việc phát triển, nhân rộng nuôi cá tầm với 2 mô hình lớn và 6 mô hình nhỏ ở 2 huyện: Võ Nhai và Đại Từ. Tuy nhiên, hiện nay, những hộ dân nuôi cá tầm đang lận đận tìm đầu ra vì thị trường tràn ngập cá tầm nhập lậu giá rẻ.

Tràn ngập cá tầm Trung Quốc!

 

Vào vai một người muốn bán cá tầm nuôi trong tỉnh, tôi tiếp cận các cửa hàng bán cá ở chợ và các nhà hàng hải sản trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Tại chợ Thái, thấy tôi xem mấy con cá tầm của cửa hàng, chị chủ tên T (xin được giấu tên) giới thiệu: Đây là cá tầm nuôi trong tỉnh, giá 200.000 đồng/kg. Nhưng khi nghe tôi chào hàng cá tầm của gia đình nuôi trong tỉnh tươi ngon, chất lượng cao thì chị từ chối ngay. Trước sự kiên trì của tôi, chị tỏ ra khó chịu: Tôi không nhập cá tầm trong tỉnh đâu. Chúng tôi đã có nguồn hàng khác rồi. Họ vận chuyển giao bán tận nơi với giá 130.000 đồng/kg. Tôi ngạc nhiên trước giá quá thấp của cá tầm nên tiếp tục vặn hỏi. Chị chủ buộc lòng trả lời: Chúng tôi đang nhập cá tầm của Trung Quốc. Loại cá này không chỉ rẻ mà còn sống rất dai khi bị nhốt trong chậu nhỏ, nước bẩn và thiếu không khí, cá trong tỉnh không sống dai được như vậy.

 

- Cá tầm là loại cá cổ, da trơn, xương dạng sụn, trước đây chỉ sống ở một số vùng nhất định ở Pháp, Chi Lê và Nga.

- Hiện nay, cá tầm đã được thuần hóa và nuôi dưỡng thành công tại Việt Nam và một số nước châu Á.

- Những năm gần đây, cá tầm đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng bởi thịt dai, thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.

 

Thất bại trong lần chào hàng đầu tiên, tôi tiếp tục tìm tới các nhà hàng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Theo ước tính của tôi, trên địa bàn thành phố có khoảng vài chục nhà hàng hải sản nên lượng tiêu thụ cá tầm là không nhỏ. Tuy nhiên, đi tới hơn 10 nhà hàng, tôi đều nhận được câu trả lời: Chúng tôi tiêu thụ ít, khi khách có nhu cầu mới ra chợ mua, không đặt hàng trước bao giờ. May mắn nghe được một Nhà hàng hải sản lớn nhất nhì thành phố tiêu thụ nhiều cá tầm, tôi đến ngay. Anh H, Giám đốc Nhà hàng tiếp tôi với cái lắc đầu ngao ngán: Anh nuôi cá tầm là khổ rồi, chúng tôi đang được giao cá tầm Trung Quốc tận nơi mà giá chỉ có 135.000 đồng/kg. Thấy tôi quá buồn rầu và mong muốn hạ giá để Nhà hàng dùng thử cá của gia đình, anh ta thẳng thừng từ chối: Chúng tôi mua số lượng lớn nhưng để bán dần. Cá tầm Trung Quốc có đặc điểm nuôi nhốt hơn 10 ngày, thậm chí không cho ăn, nguồn nước bẩn vẫn sống. Cá trong tỉnh không chăm sóc cẩn thận rất dễ chết.

 

Đang bế tắc, thì tôi nghe thông tin anh K, có số điện thoại (0982 xxx xxx) là người chuyên buôn bán cá tầm trong tỉnh nên liên lạc ngay. Nhưng anh K cho biết anh mua cá tầm nơi khác sau đó chuyển về thành phố bán buôn chứ không mua cá trong tỉnh. Theo nguồn tin chúng tôi nhận được, anh K chuyên mua cá tầm của Trung Quốc, nhận hàng tại Cao Bằng, vận chuyển về giao tại Thái Nguyên và Hà Nội.

 

 

Người nuôi trong tỉnh lao đao

 

Chúng tôi tới khu vực hang Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai, nơi có nguồn nước lạnh, sạch sẽ và đã phát triển thành công mô hình nuôi cá tầm đầu tiên của tỉnh. Gia đình anh Lành Văn Nam, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng đã nuôi thành công hơn 200 con cá Tầm từ tháng 8/2011, nhưng năm 2012, anh đã bán hết số cá trên, và hiện nay bể nuôi bỏ hoang, cây vương vãi vứt khắp nơi. Anh Nam cho biết: Tôi đầu tư gần 100 triệu đồng xây bể nuôi, mua giống, thức ăn. Nhưng khi bán cá vào giữa năm 2012, chỉ được giá 170.000 đồng/kg, sau đó giá cá giảm rất nhanh chỉ còn 140.000 đồng/kg. Tôi tính như thế thì lỗ chắc, nên quyết định không nuôi nữa.

 

Tôi tiếp tục tới trang trại nuôi cá tầm của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp Đông Bắc ở ngay gần đó. Đây là cơ sở nuôi cá tầm thành công từ giữa năm 2010. Hiện nay, trang trại đang có hơn 2.000 con cá tầm và đang có lứa cá trưởng thành đến ngày xuất bán. Tuy nhiên, theo Ban giám đốc Công ty, những lứa trước, trang trại thường bán được với giá 250.000 đến 300.000 đồng/kg nhưng lứa này, giá cá ngoài thị trường quá thấp nên Công ty chưa muốn bán. Anh Nguyễn Tất Đắc, cán bộ kỹ thuật của Công ty cho biết: “Trang trại của chúng tôi nhập cá giống từ Nga, nuôi bằng thức ăn của hãng COPPENS (Hà Lan) nên giá thành khoảng 180.000 đồng/kg. Với giá thấp như thị trường hiện nay, chúng tôi bán cá chắc chắn lỗ vốn”. Tới thời điểm này, Công ty vẫn đang bế tắc trong việc tiêu thụ.

 

Rời Võ Nhai, chúng tôi đến xã La Bằng, Đại Từ, nơi đã mở rộng thành công mô hình nuôi cá tầm với 1 trang trại lớn và 4 hộ dân nuôi nhỏ lẻ. Đến trang trại của anh Nguyễn Mạnh Thơm, ở xóm Kẽm, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi quy mô hơn 12.000 con trong 14 bể nuôi, với vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Ở đây, có nguồn nước trong sạch, nhiệt độ dưới 28oC chảy ra từ chân núi Tam Đảo cùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của cá tầm. Anh Thơm cho biết: Chúng tôi lần đầu tiên nuôi cá tầm nên cũng gặp nhiều khó khăn trong phương pháp nuôi. Nhưng qua thời gian học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật, đến nay, chúng tôi đã nuôi thành công và chuẩn bị xuất bán lứa cá tầm đầu tiên. Tuy nhiên, khi đi chào hàng, chúng tôi nhận thấy thị trường nhỏ hẹp và tràn ngập cá tầm Trung Quốc giá quá rẻ nên rất lo lắng về việc tiêu thụ lứa cá này. Chúng tôi đã xây hệ thống bể ươm trứng cá để chủ động nguồn giống nhưng cứ tình trạng này thì chắc không dám thực hiện.

 

Khi đến tất cả những cơ sở nuôi cá tầm nêu trên, tôi đều thắc mắc tại sao không tìm thị trường tại Hà Nội, các tỉnh, thành khác hoặc tìm hướng xuất khẩu, thì nhận được câu trả lời: Chúng tôi đã chào hàng ở nhiều tỉnh khác, nhưng đều gặp tình trạng cá tầm Trung Quốc giá rẻ chiếm lĩnh thị trường nên bán được rất ít. Thêm vào đó, việc vận chuyển cá đi xa lại tăng thêm chi phí và gặp nhiều rủi ro. Chúng tôi cũng chưa liên hệ được bạn hàng nào để xuất khẩu cá ra nước ngoài.

 

Thiết nghĩ, mô hình nuôi cá tầm đã thành công nhưng để tiếp tục phát triển thành một nghề thì cần có thị trường ổn định. Việc thị trường đã nhỏ hẹp lại tràn ngập cá Trung Quốc có thể sẽ tiêu diệt nghề nuôi cá tầm của tỉnh khi đang còn “trứng nước”. Nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay mô hình cá tầm vẫn sẽ là mô hình!

 

 

Ông Vũ Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Thực hành thực nghiệm – Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên: Chúng tôi đã làm thí nghiệm nhấc 2 con cá tầm lên môi trường không khí. Con cá tầm không rõ nguồn gốc chết ngay sau 30 phút và có hiện tượng ra nước giảm trọng lượng, còn cá tầm trong tỉnh chết sau 3 đến 6 tiếng, khối lượng hầu như không giảm.

 

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và phát triển nông nghiệp Đông Bắc (chủ trang trại cá tầm ở Võ Nhai): Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ lượng cá tầm không rõ nguồn gốc có phải nhập lậu hay không? Đồng thời, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến những hộ dân nuôi cá tầm trong thời điểm hiện nay.

 

Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh Thái Nguyên: Nguồn cá tầm không rõ nguồn gốc, giá rẻ tràn ngập thị trường khiến đầu ra của những mô hình nuôi cá tầm mà trung tâm đã phát triển thành công trở nên khó khăn. Ngoài ra, cá tầm không rõ nguồn gốc có thể gây nguy cơ lây bệnh sang lượng cá đang nuôi trong tỉnh.