Hà Nội: Sắp phá sản, sáp nhập 11 doanh nghiệp

09:06, 20/03/2013

Giám đốc Sở Tài chính T.P Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, dự kiến trong năm 2013, UBND thành phố triển khai sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Trong số này sẽ có 11 doanh nghiệp phá sản và sáp nhập.

15 doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2012

 

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND T.P Hà Nội, chiều 19/3, Giám đốc Sở Tài chính T.P Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tổng hợp trong số 121 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ đã nộp báo cáo, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trực thuộc UBND Tp.HN, có khoảng 103 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, với tổng số lãi ước thực hiện năm 2012 là 1.657 tỷ đồng.

 

Vẫn còn khoảng 15 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, với tổng số lỗ phát sinh năm 2012 ước là âm 55,97 tỷ đồng. Tuy vậy, số lỗ này vẫn giảm so với số lỗ của năm 2011 là âm 263,33 tỷ đồng.

 

Trong tổng số các công ty thua lỗ, có khoảng 4 công ty có số lỗ dưới 1 tỷ đồng. Số còn lại là lỗ từ 1 tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng. Cụ thể: Công ty Sản xuất Công nghiệp và Xây lắp Hà Nội, âm 14 tỷ đồng, Công ty 1 thành viên Haprosimex (Công ty mẹ) lỗ âm 10 tỷ đồng; Công ty XNK và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội lỗ âm hơn 6 tỷ đồng; Công ty CP Vật liệu xây dựng Hà Nội lỗ hơn 8 tỷ đồng; Công ty CP Haprosimex Thăng Long lỗ hơn 2 tỷ đồng…

 

Sẽ phá sản, sáp nhập 11 doanh nghiệp

 

Ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, dự kiến kế hoạch năm 2013 UBND Tp.HN triển khai sắp xếp 30 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp. Trong đó, sẽ cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; 14 doanh nghiệp sẽ được sắp xếp theo các hình thức khác.

 

Nhà nước sẽ nắm giữ trên 50% vốn tại 01 doanh nghiệp và 03 bộ phận doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần tại 06 doanh nghiệp và 06 bộ phận doanh nghiệp.

 

Theo tiến độ cổ phần hóa (CPH) toàn bộ doanh nghiệp nhà nước thuộc T.P Hà Nội năm 2013, sẽ có quyết định cho phép thực hiện CPH và thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc ban chỉ đạo CPH Công ty TNHH 1 thành viên (gọi tắt là Công ty) Giầy Thụy Khuê trong tháng 12. Trong tháng 3/2013 sẽ có sẽ có quyết định cho phép thực hiện CPH và thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty TNHH 1 thành viên Mai Động.

 

Tới năm 2014 sẽ có quyết định chính thức chuyển sang công ty cổ phần cho 2 công ty trên.

 

Các công ty khác như: Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, Công ty Dịch vụ - Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội, Công ty Đầu tư Phát triển Thể thao Hà Nội, Công ty 18/4, Công ty 27/7 đều sẽ có quyết định chuyển đổi sang công ty cổ phần vào tháng 12/2013.

 

Cũng trong năm 2013, UBND Tp.HN sẽ thực hiện sáp nhập 8 doanh nghiệp, cụ thể: Công ty Xuất nhập khẩu Hà Lâm; Trại Lâm nghiệp Tiên Phong, Ba Vì, Trạm Lâm nghiệp Thường Tín; Xí nghiệp Môi trường đô thị (XN MTĐT) Gia Lâm; XN MTĐT Từ Liêm; XN MTĐT Thanh Trì, XN MTĐT Sóc Sơn; XN MTĐT Đông Anh.

 

Từ tháng 3 đến tháng 12/2013 sẽ tiến hành phá sản 3 công ty, gồm: Công ty Sản xuất Công nghiệp xây lắp; Công ty Kỹ thuật điện Thông; Công ty Ăn uống Dịch vụ du lịch Sóc Sơn….

 

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND T.P Hà Nội, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Huy Tưởng cho biết, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) T.P Hà Nội được thực hiện từ năm 1996 theo chỉ đạo thống nhất chung của Trung ương và Chính phủ. Trước khi cổ phần hóa, T.P Hà Nội có 490 doanh nghiệp nhà nước.

 

Từ năm 1996 đến nay, T.P Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp 420 doanh nghiệp. Cụ thể: Đã cổ phần hóa 271 DNNN (trong đó có 221 doanh nghiệp và 50 bộ phận doanh nghiệp); Chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là 14 doanh nghiệp; Chuyển doanh nghiệp về trung ước là 9 doanh nghiệp.

 

Ngoài ra còn có 5 doanh nghiệp được chuyển sang đơn vị sự nghiệp; 13 doanh nghiệp được giao cho tập thể người lao động; 05 doanh nghiệp được bán.

 

Bên cạnh đó còn có 105 doanh nghiệp được sắp xếp bằng nhiều hình thức khác như sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản.

 

Tính đến thời điểm 31/12/2012, T.P Hà Nội đã thực hiện chuyển toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động mô hình công ty TNHH một thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước tham gia là 230 doanh nghiệp (trong đó có 70 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; 160 công ty cổ phần có vốn nhà nước tham gia).

 

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng, việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp, nâng cao vai trò quản lý, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động…Tất cả các công ty sau cổ phần hóa đã có hoạt động khá tốt so với trước khi chưa cổ phần hóa, như có quy mô, lực lượng lao động lớn hơn; Năng suất cao hơn và đóng góp ngân sách tốt hơn so với trước…