Mở ra bước sáng tạo mới

08:18, 15/03/2013

Từ ngày 15 đến 18/3 năm 2013, gần 400 nghệ nhân, nhà thiết kế, nhà sản xuất về dệt, thêu, nhuộm đến từ các nước ASEAN và các nước đối thoại cùng sự tham gia của 8 tỉnh, thành của Việt Nam để hình thành “Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề Dệt truyền thống ASEAN lần thứ IV” tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (T.P Thái Nguyên). Đây là một hoạt động thiết thực, kịp thời, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đồ vải, phát huy các kỹ thuật dệt, thúc đẩy sự sáng tạo mới trong nghề dệt truyền thống, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trên toàn cầu.

Hội thảo quốc tế về nghề dệt truyền thống khu vực ASEAN được sáng lập và tổ chức đầu tiên bởi Hội dệt truyền thống Himpunan Wastraprema (Indonesia) tại Thủ đô Jakata, Indonesia vào tháng 12/2005. Tiếp đó, Philippines và Malaysia lần lượt đăng cai và trở thành chủ nhà của Hội thảo lần thứ II và III (vào tháng 2/2009 và tháng 3/2011. Trong 3 cuộc hội hội thảo này, các chuyên gia về nghề dệt, các nhà nghiên cứu, sinh viên và các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận và trao đổi về mục đích ủng hộ các nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy nghề dệt bản xứ, đặc biệt việc duy trì tổ chức các cuộc hội thảo luôn được coi là nền tảng bảo đảm bền vững cho sự tồn tại của nghề dệt truyền thống trong khu vực.

 

Với mục tiêu tăng cường khối đại diện cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống (ASEAN - TTAC) trong việc nỗ lực phát huy và bảo tồn nghề dệt truyền thống cũng như mở rộng phạm vi hoạt động của khối, đồng thời phát huy kỹ thuật, thúc đẩy sự sáng tạo mới và nâng cao năng lực, công suất của ngành dệt truyền thống… Ngoài phần kết nối, kế thừa các hội thảo trước, với chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối: Mở ra bước sáng tạo mới trong nghề dệt truyền thống Đông Nam Á”, Hội thảo lần thứ IV được tổ chức tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức theo quy mô lớn với 5 chủ đề chính: Hội thảo khoa học có sự tham gia của 10 quốc gia ASEAN, các nhà nghiên cứu khoa học Việt Nam và các nước đối thoại (gồm: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Ấn Độ) với 2 chủ đề: “Từ làng nghề truyền thống đến công nghiệp nhẹ” và “Bảo tồn, phát huy đồ dệt, thêu trong Bảo tàng”; trưng bày triển lãm về quá trình phát triển của nghề dệt may từ thời kỳ vỏ cây và thời kỳ tự cung, tự cấp đến thời kỳ sản xuất công nghiệp; tổ chức gala thời trang: trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam (trang phục điển hình); trình diễn thời trang của các nhà thiết kế nổi tiếng ở Việt Nam; trình diễn thời trang của các nước châu Á, trình diễn dệt vải, in hoa văn, thêu, nhuộm của các làng nghề truyền thống và 10 quốc gia ASEAN; trình diễn làng nghề và văn hóa làng nghề: rối nước, xay thóc giã gạo và hát đối, mùa xòe, múa sạp, ẩm thực truyền thống Việt Nam; hội chợ giới thiệu các sản phẩm và bán sản phẩm dệt may, thêu Việt Nam, sản phẩm dệt may, thêu của các nước ASEAN và các nước đối thoại Mỹ, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ và chương trình giáo dục gắn với trưng bày, trình diễn trải nghiệm văn hoá dân tộc.

 

Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống các nước ASEAN lần thứ IV được tổ chức tại Thái Nguyên là một trong những hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm giới thiệu, quảng bá và mở rộng cơ hội giao lưu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Hội thảo cũng là minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em nói chung và nghề dệt, nhuộm, thêu nói riêng. Đây cũng là một cơ hội tốt để mở rộng mạng lưới hợp tác với các bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong nước và khu vực, góp phần phát huy di sản văn hóa với các quốc gia ASEAN. Đặc biệt, Hội thảo là dịp để quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của các tộc người Việt Nam, mở ra những cơ hội giao lưu, xúc tiến đầu tư và du lịch, mang lại lợi ích trực tiếp cho các cộng đồng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, góp phần cho việc thúc đẩy thiết lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.