Xóm Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) vỏn vẹn có 18 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, một nửa trong số đó là hộ nghèo. Tuy cách trung tâm xã chỉ 8km, nhưng những người phụ nữ Mông cao tuổi ở đây dường như sống tách biệt với thế giới bên ngoài, còn trẻ em trong xóm ngày ngày mơ về một điểm trường gần nơi sinh sống.
Hôm chúng tôi đến Na Sàng trời mưa nặng hạt. Chúng tôi lo lắng, nhưng thật may khi gần đến xóm thì trời tạnh ráo. Nhưng mấy con "ngựa sắt" vẫn phải "gầm gừ" số 1, chúng tôi nín thở chăm chăm nhìn xuống đường để tránh những viên đá to, phải ghì tay lái mới giữ được xe không đổ. Na Sàng cách trung tâm xã 8km nhưng cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ vật lộn trên con đường trơn trượt chúng tôi mới đặt chân đến xóm. Người chúng tôi gặp đầu tiên là Trưởng xóm Hoàng Văn Nhính, anh cho biết: Na Sàng có 18 hộ, 77 nhân khẩu gồm có 16 hộ người Mông và 2 hộ người Sán Chí. Trong đó có tới 15 hộ nghèo và cận nghèo. Đất trồng lúa ít, bình quân mỗi nhà có khoảng 4 sào đất cấy lúa, người dân phải tận dụng đất ở các khe đá để trồng ngô. Có hộ không có tấc đất canh tác nào như các hộ anh Lý Chơ và Sùng Văn Nở.
Khu nhà anh Nhính đang ở chỉ có 3 nóc nhà, số hộ còn lại tập trung ở phía trong xóm, cách nhà anh Nhính chừng gần cây số. Cả xóm chỉ có 1 ngôi nhà xây, vài ngôi nhà có tường được ghép bằng những tấm gỗ, còn lại đa phần tường nhà được che chắn bằng phên nứa trống hơ trống hoác. Ở Na Sàng không có điểm trường, tất cả các khối lớp từ mầm non trở lên đều học ở ngoài trung tâm xã. Ông Nhính buồn rầu: "Học sinh cấp 2 thì đi xe đạp đến trường, mưa thì phải đi bộ; còn học sinh cấp 1 thì đi bộ từ 4h sáng; các cháu mầm non bố mẹ phải đưa đi. Có hôm mưa rét quá, đường xa, quần áo lại không đủ ấm nên các cháu đành phải nghỉ học ở nhà".
Gia đình anh Hoàng Văn Thanh và chị Lầu Thị Xuân là một trong những hộ nghèo của xóm. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài một bao thóc. Chị Xuân bảo: "Nhà chỉ có 2 sào đất trồng lúa thôi, còn ngô trồng trong khe đá. Mỗi năm gia đình tôi thiếu ăn 4 tháng, một tháng chỉ được ăn thịt 1 hoặc 2 lần thôi"
Na sàng có hơn 60 ha đất trồng rừng, hầu hết mới được trồng từ năm 2006-2007. Kinh tế ở đây trông chủ yếu vào lúa và ngô, nhưng do bà con canh tác lạc hậu nên năng suất lúa chỉ đạt 1,3 - 1,5 tạ/sào. Trong xóm có 4 hộ chăn nuôi dê (mỗi hộ có từ 20-30 con).
Ông Nhính trăn chở: Chúng tôi mong sẽ được huyện, được tỉnh hướng cho loại cây trồng hay vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai trên ở Na Sàng, có như vậy bà con ở đây mới mong thoát nghèo bền vững. Tôi cũng tha thiết mong có một điểm trường đặt ở xóm hoặc xóm lân cận để các cháu đi học không quá khổ cực như bây giờ.