Nuôi gà Mía ở Bình Long

09:26, 22/03/2013

Về Bình Long (Võ Nhai), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cách thức chăn nuôi gà của bà con nơi đây. Hàng nghìn con gà được nuôi trên những cánh đồng sau khi thu hoạch nông sản và trên những bãi đất bỏ hoang. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giống gà Mía đã được nuôi trên địa bàn xã khoảng 6 năm trở lại đây. Cách thức nuôi gà này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân ở mảnh đất vùng cao vốn có nhiều khó khăn này.

Đồng chí Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Toàn xã có 6.000 nhân khẩu, 1.403 hộ; đời sống chủ yếu của người dân nhờ vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và dịch vụ. Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền xã luôn khuyến cáo người dân thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; khai thác thế mạnh kinh tế đồi rừng. Đặc biệt là thời gian gần đây, xã rất chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là mô hình chăn nuôi gà Mía thả dưới ruộng. Việc chăn nuôi này đã và đang trở thành mô hình điểm của huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình…”.

 

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ban đầu việc chăn nuôi gà Mía ở Bình Long mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ của một vài hộ trong thôn Bình An, với quy mô hơn 100 con/lứa. Nhận thấy việc chăn nuôi gà Mía dưới ruộng có nhiều lợi thế: chất lượng thịt gà cao, ít dịch bệnh, tận dụng được đất hoang hóa và sức lao động nhàn rỗi, việc đầu tư chuồng trại không tốn kém, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên Đảng bộ, chính quyền xã đã tranh thủ sự trợ giúp của lãnh đạo huyện, cán bộ khuyến nông triển khai việc chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Sau gần 6 năm phát triển, đến nay toàn xã đã có 11 thôn, xóm chăn nuôi theo mô hình này như: Bình An, Trại Rẽo, Ót Giải..., trong đó tiêu biểu là thôn Bình An “cái nôi” của mô hình “ruộng gà” mỗi năm người dân nuôi được khoảng 20 vạn con gà, chiếm 50% số gà toàn xã.

 

Để chăn nuôi giống gà Mía dưới ruộng có kết quả tốt, xã đã cử cán bộ nông nghiệp phối hợp với cán bộ khuyến nông huyện thường xuyên xuống cơ sở theo dõi diễn biết tình hình chăn nuôi; hướng dẫn người dân cách chăm sóc, quy trình phối trộn thức ăn, vệ sinh khu vực chăn nuôi; kịp thời phát hiện và điều trị khi có dịch bệnh xảy ra… Theo kinh nghiệm của những người chăn nuôi, nếu trên cùng một địa điểm nuôi nhốt thì lứa thứ ba sức đề kháng của gà sẽ yếu hơn, dịch bệnh dễ xảy ra hơn so với lứa thứ nhất. Vì vậy, bà con thường xuyên luân chuyển vị trí nuôi đồng thời phun thuốc diệt trùng, phòng dịch bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông trên diện tích nuôi trước đó… Gà Mía được nuôi 2 lứa chính vào tháng 7 và tháng 10 âm lịch trên những cánh đồng sau khi đã thu hoạch lúa và những bãi trồng màu. Bình quân cứ sau 3 tháng chăn nuôi, người dân Bình Long lại có gà thương phẩm xuất chuồng, và tính bình quân cứ 1.000 con gà cho lãi 45 triệu đồng.

 

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Huy Hiệp, Trưởng xóm Trại Rẽo và cũng là một trong những người đầu tiên nuôi giống gà Mía dưới ruộng. Anh cho biết: “Ban đầu chỉ nuôi với quy mô nhỏ và khó khăn nhất là việc phát hiện và điều trị bệnh. Sau này được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên việc chăn nuôi gặp nhiều thuận lợi. Cùng với đó, để tiện cho việc chăm sóc, theo dõi dịch bệnh, gia đình tôi còn dựng cả lán ở ngoài đồng để “ngủ” cùng gà… Vì thế mà từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay, “ruộng gà” nhà tôi lên tới hàng nghìn con/lứa…”. Thấy người chú ruột Nguyễn Huy Hiệp chăn nuôi gà Mía dưới ruộng có hiệu quả, người cháu là Nguyễn Huy Thuận cũng mạnh dạn vay tiền ngân hàng và từ nhiều nguồn khác để chăn nuôi. Hiện nay, anh Thuận có 3 trại gà, mỗi trại gần 1.200 con. Riêng năm 2012, anh đã bán gần 7.000 con gà, lợi nhuận thu được hơn 300 triệu đồng. Không chỉ có anh Thuận mà ở Bình Long, nhiều hộ dân, nhất là các hộ gia đình trẻ họ đang rất “say” với việc chăn nuôi gà lai Mía dưới ruộng.

 

Để tạo tâm lý yên tâm cũng như ổn định đầu ra, lãnh đạo xã có chủ trương khuyến khích người dân địa phương thành lập các điểm thu mua, đồng thời chủ động tìm thị trường tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bên cạnh phong trào chăn nuôi gà Mía dưới ruộng, Bình Long khuyến cáo người dân đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gia súc và phát triển kinh tế đồi rừng. Hiện nay Bình Long có 1.300 ha rừng núi đá và 340 ha rừng kinh tế. 

 

Kinh tế ngày càng phát triển nên đến nay Bình Long không còn hộ nghèo đói... Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, như đường giao thông, điện lưới Quốc gia, trường học, trạm y tế; 100% học sinh đến tuổi được cắp sách tới trường…

 

Xin trích lời của đồng chí Nông Thế Mạnh thay cho lời kết bài viết này: “Chúng tôi sẽ khuyến cáo mở rộng chăn nuôi, đồng thời xin đề xuất với huyện, tỉnh chuyển một số diện tích ruộng đất kém hiệu quả trong trồng trọt để quy hoạch thành vùng chăn nuôi gà tập trung; thành lập hợp tác xã dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi và thu mua gà thương phẩm cho nông dân…”.