Phát triển kinh tế trang trại ở T.X Sông Công

09:23, 02/03/2013

Từ chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, nhiều hộ nông dân ở T.X Sông Công đã thay đổi tư duy, đầu tư lớn làm trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo chân cán bộ Phòng Kinh tế thị xã, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Nguyễn Đình Luyến, một trang trại chăn nuôi phát triển tốt nhất trên địa bàn phường Cải Đan. Trang trại của anh được quy hoạch ngăn nắp, xa khu dân cư khoảng 100m theo đúng yêu cầu. Anh chia sẻ: Trước kia, vợ chồng tôi làm ruộng và đi làm thuê thêm nghề mộc, kinh tế khó khăn, chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để phát triển được kinh tế gia đình. Năm 2003, qua tham khảo mô hình nuôi gà công nghiệp gia công cho công ty C.P (Charoen Pokphand) Việt Nam của một số người đi trước, nhận thấy lợi thế của việc nuôi gia công theo mô hình này là độ an toàn dịch bệnh cao do được cán bộ kỹ thuật của Công ty kiểm soát; tiền giống, thức ăn, thuốc và sản phẩm gà đầu ra cũng được Công ty cung cấp, mua lại nên tôi đã mạnh dạn vay mượn được 300 triệu đồng để xây dựng trang trại quy mô nuôi 8.000 con gà/lứa. Nhờ chăm chỉ, cần cù, đúc kết kinh nghiệm chăn nuôi tốt, nên chỉ sau 1 năm, gà thành phẩm của gia đình anh đã đảm bảo đạt và vượt định mức của Công ty. Năm 2009, anh chị tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng để làm thêm 1 trang trại nuôi gà trên diện tích 11 nghìn m2, nuôi 13 nghìn con/lứa. Gia đình anh cũng nuôi thêm khoảng 1 nghìn con ba ba và 90 đôi chồn, 150 đôi dúi mỗi năm để tận dụng nguồn thức ăn thừa từ nuôi gà và gà chết. Như vậy, với trang trại tổng hợp gia đình anh Luyến đã ổn định về kinh tế, trả hết nợ ban đầu, mỗi năm đạt doanh thu trên 7 tỷ đồng, thu lãi được khoảng 600 đến 700 triệu đồng, vươn lên là hộ giàu của thị xã.

 

 

Không chăn nuôi gia công như anh Luyến, gia đình ông Nguyễn Ngọc Đặng, ở xã Vinh Sơn có trang trại chuyên nuôi lợn nái ngoại và lợn thịt, cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Bắt đầu chăn nuôi theo mô hình trang trại từ năm 2002, đến nay, gia đình ông đã có gần 200 con lợn nái ngoại và bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 3 nghìn con lợn thịt. Ông cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, tận thu các phụ phẩm của gia đình nên hiệu quả kinh tế không cao. Được tham gia các lớp tập huấn và tìm hiểu thêm kiến thức chăn nuôi, tôi nhận thấy cần thay đổi tư duy chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đầu tư chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đinh tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng cộng với vốn tích lũy để xây dựng trang trại chăn nuôi trên diện tích hơn 2ha. Trang trại kiên cố, có hệ thống chuồng, lồng cho từng loại lợn, có đầy đủ điện, nước, máng ăn tự động... Ông thuê 5 lao động làm việc với mức lương trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng, trong đó, có cả cán bộ thú y chịu trách nhiệm về kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh. Trang trại được phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ theo đúng quy trình. Quần áo công nhân trước khi vào làm việc đều được khử trùng để phòng, chống dịch bệnh. Ông cũng thiết lập được quan hệ mật thiết với các chủ buôn, tìm kiếm thêm thị trường để cung cấp thịt, nhờ vậy trang trại của gia đình ông không bị ế hàng bao giờ. Trang trại đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng/năm, trừ các chi phí cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng/năm.

 

Ngoài 2 trang trại kể trên, hiện nay, toàn thị xã có 36 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí mới của Bộ NN-PTNT với tổng số vốn đầu tư xây dựng đạt gần 35 tỷ đồng. Trong đó, có 32 trang trại tổng hợp, 4 trang trại chuyên lợn nái ngoại và lợn thịt. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2012 đạt gần 100 tỷ đồng, mỗi trang trại cho thu lãi từ 200 triệu đồng đến 700 triệu đồng/năm. Các trang trại này đã tạo việc làm cho gần 150 lao động với mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh phát triển trang trại, hiện tại, trên địa bàn thị xã, hình thức chăn nuôi gia trại cũng rất phát triển. Mỗi gia trại gia cầm có quy mô từ 500 con đến 2 nghìn con, còn gia trại nuôi lợn có quy mô từ 20 con đến dưới 100 con. Hiện tại, toàn thị xã đã có 106 gia trại chăn nuôi gà và lợn. Mỗi năm, các gia trại này cho doanh thu khoảng 100 tỷ đồng, đem lại lợi nhuận khoảng 20 tỷ đồng cho người dân.

 

Nói về các mô hình trang trại, gia trại, ông Trần Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: Để khuyến khích các trang trại phát triển, nhiều năm qua, thị xã đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng đối với đầu tư chăn nuôi. Đồng thời chú trọng mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, thú y cho người dân tham gia học tập. Chỉ tính riêng trong năm 2012, thị xã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở được 53 lớp tập huấn về chăn nuôi thú y, giúp người dân áp dụng được trong thực tế chăn nuôi của gia đình. Từ đó, nhận thức của người nông dân trên địa bàn đã có nhiều thay đổi. Họ đã bỏ chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, mạnh dạn tập trung làm kinh tế trang trại, đầu tư lớn, có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y, tuân thủ nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế của các trang trại, gia trại mang lại cao hơn nhiều so với làm các nghề khác. Bên cạnh đó, các trang trại, gia trại này đều được xây dựng cách xa khu dân cư, và có hệ thống xử lý chất thải kiên cố, ít làm ảnh hưởng đến môi trường. Rõ ràng, đây là tín hiệu vui cho phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn. Thời gian tới, thị xã tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế trang trại bằng việc quy hoạch mỗi xã từ 1-2 khu chăn nuôi tập trung; tạo điều kiện thuận lợi cho người làm trang trại vay vốn; phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức chuyển giao kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới, cho năng suất, hiệu quả cao vào nuôi, trồng.