Những năm gần đây, cùng với việc sản xuất gạch bằng công nghệ nung đốt, ở tỉnh ta đã có nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung. Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, rất nhiều hộ dân được hỗ trợ đã sử dụng loại gạch xi măng cốt liệu (không nung) để xây dựng công trình. Nhờ vậy mà xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu thị trường…
Ông Lê Thanh Vân, ở tổ 27, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ): “Ngôi nhà 2 tầng với diện tích sử dụng trên 200m2 của gia đình tôi được xây bằng gạch silicat. Tôi chọn loại gạch này vì giá thành rẻ hơn, đỡ tốn vôi vữa, xi măng hơn gạch nung, chất lượng cũng rất đảm bảo…”. |
Ông Đỗ Triệu Cường, tổ 22, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên): “Khi vẽ thiết kế ngôi nhà 3 tầng của gia đình tôi, người kỹ sư đã khuyên dùng gạch không nung. Theo anh ấy thì loại gạch này không những có giá thành rẻ hơn mà tất cả các thông số kỹ thuật đều đảm bảo, tỷ lệ bị vỡ trong quá trình vận chuyển rất ít. Tôi còn thấy tâm đắc khi dùng gạch không nung bởi sẽ góp phần bảo vệ môi trường…” |
Khu vực xung quanh Mỏ đá Núi Voi (Đồng Hỷ) từ gần chục năm trở lại đây đã xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung (loại silicat). Theo ông Vi Tân Cảnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chùa Hang thì trên địa bàn thị trấn có khoảng 20 cơ sở sản xuất gạch silicat, trung bình mỗi cơ sở tạo việc làm cho từ 8 đến 10 lao động, đồng thời góp phần đáng kể tăng thu ngân sách cho địa phương. Gia đình ông Hoàng Kiên ở tổ 27 là một trong số những hộ sản xuất gạch silicat sớm nhất tại khu vực này, gia đình ông hiện có 3 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động (chưa kể người nhà). Trong khi không ít cơ sở sản xuất gạch nung thủ công và cả những dây chuyền sản xuất gạch tuynel hiện đại đang “ế hàng” số lượng lớn thì ông Kiên phấn khởi cho biết: Sản phẩm gạch của chúng tôi sản xuất đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, và hiện không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sản xuất loại gạch này đơn giản bởi nguyên liệu sẵn có là mạt đá, sỏi và bê tông, lại không phải nung đốt gây ô nhiễm môi trường. Điều quan trọng là nhu cầu thị trường ngày một lớn và tiêu thụ dễ dàng.
Sản phẩm gạch silicat do các cơ sở như gia đình ông Hoàng Kiên sản xuất hiện đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với nhiều đối tượng khách hàng, từ các hộ dân mua về xây dựng công trình phụ trợ, công trình nhà ở kiên cố đến các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà xưởng, tường bao. Ngoài những ưu điểm về kỹ, mỹ thuật, loại gạch này còn có giá thành rẻ hơn gạch nung khoảng 30%, nên khách hàng, nhất là những người có nhu thập thấp ngày càng ưu tiên lựa chọn. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đồng Hỷ thì rất nhiều trong số hơn 1.500 "ngôi nhà 167" trên địa bàn được xây dựng bằng gạch không nung. Cũng với xu hướng này, huyện Võ Nhai hiện có trên 20 cơ sở sản xuất gạch silicat. Ông Hứa Văn Bình, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Võ Nhai cho rằng, tiềm năng phát triển gạch không nung trên địa bàn rất lớn bởi có nguồn nguyên liệu đá, sỏi dồi dào, nhu cầu thị trường cũng gia tăng nhanh chóng.
Không chỉ các hộ sản xuất nhỏ lẻ mà những doanh nghiệp có điều kiện sản xuất vật liệu xây dựng cũng đang quan tâm tới gạch không nung, điển hình là Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Ông Đinh Quang Vinh, Giám đốc Công ty cho biết: Trung bình mỗi năm Nhà máy Nhiệt điện thải ra khoảng 250 nghìn tấn tro xỉ than, kinh phí vận chuyển, chôn lấp mất khoảng 6 tỷ đồng. Từ khi vận hành dây chuyền sử dụng công nghệ bán tự động sản xuất gạch không nung (tháng 5/2011), nguyên liệu tận dụng từ nguồn tro xỉ thải, Công ty có lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng và đỡ hẳn phần kinh phí chi cho xử lý phụ phẩm tro xỉ. Công ty đang có kế hoạch đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gạch không nung, nhằm tận dụng 100% tro xỉ thải từ quá trình sản xuất điện…
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 755 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có 499 cơ sở gạch đất sét nung, 306 cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung. Các cơ sở sản xuất gạch không nung hiện có hầu hết sản xuất gạch xi măng cốt liệu, chủ yếu là bán cơ giới, công nghệ đơn giản. Hiện chỉ có 3 dây chuyền thiết bị sản xuất gạch không nung có kích thước viên theo tiêu chuẩn Việt Nam về gạch đặc đất sét nung, như trường hợp của Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn đã nêu.
Có thể nói, tuy đã có những đổi mới về công nghệ và đầu tư chiều sâu, cải tiến dây chuyền sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở một số nhà máy, cơ sở sản xuất gạch, song còn rất nhiều cơ sở vẫn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch nung thủ công. Trong tiến trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của một tỉnh trung tâm vùng với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, việc sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng. Theo dự báo, nhu cầu vật liệu xây dựng của tỉnh giai đoạn 2013-2016 khoảng 750 triệu viên/năm; giai đoạn 2017-2020 khoảng 900 triệu viên/năm. Năng lực sản xuất nội tại hiện đạt 707 triệu viên/năm, trong đó gạch không nung là 282 triệu viên/năm. Với năng lực sản xuất như hiện nay, nguồn cung vật liệu xây nội tỉnh chỉ có thể đáp ứng được 94% nhu cầu vào năm 2016 và 78% nhu cầu vào năm 2020. Thực tế này càng khẳng định tiềm năng phát triển to lớn của sản phẩm gạch không nung trong thời gian tới.
Tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có về nguồn đá vôi, cát sỏi sông suối, nguồn tro, xỉ thải tại nhà máy nhiệt điện… trên địa bàn, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu xây không nung với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đa dạng; tổ chức, sắp sếp lại sản xuất, hướng dẫn và khuyến khích các hộ tư nhân liên doanh, liên kết, thành lập các loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, góp vốn mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất để tạo ra các sản phẩm có chất lượng ngày càng cao. Qua đó vừa đáp ứng nhu cầu vừa góp phần để đến năm 2016 xóa bỏ toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh những giải pháp đã được đề ra, rất cần thêm sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân để việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung ngày càng phổ biến, vừa bảo đảm kỹ, mỹ thuật trong xây dựng, vừa tiết kiệm chi phí đầu tư, lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Gạch không nung là sản phẩm đặc trưng và thông dụng nhất thuộc nhóm vật liệu xây dựng không nung, bao gồm một số loại chính như: Gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông nhẹ, gạch pa vanh, gạch bê tông thủ công, gạch ống, gạch polyme hóa. Gạch không nung có nhiều tính vượt trội như: - Nguyên liệu sản xuất dồi dào, không cần dùng nhiên liệu để đốt. - Cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô khác nhau, không mất nhiều mặt bằng sản xuất, dây truyền thiết bị có thể sản xuất trong nước; suất đầu tư thấp hơn vật liệu nung. - Sản phẩm có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt, phòng hỏa, chống thấm, chống nước tốt. - Kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung; giảm thiểu được kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm vữa xây, giá thành hạ. - Có thể tạo đa dạng loại hình sản phẩm, nhiều màu sắc khác nhau. - Chất lượng sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành… |