Số liệu vốn FDI cả năm 2012 mà Cục Đầu tư nước ngoài mới công bố tăng hơn 3 tỷ USD so với công bố trước đó...
Số liệu chốt về thu hút FDI cả năm 2012 vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố lại vênh với con số công bố trước đó hơn 3 tỷ USD. Như vậy, số số vốn FDI năm 2012 đã cán đích ngoạn mục.
Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 31/12/2012, cả nước đã thu hút được hơn 16,3 tỷ USD (cả vốn cấp mới và tăng thêm), tăng 4,7% so với năm 2011. Con số này tăng hơn 3 tỷ USD so với con số được công bố trước đó là hơn 13 tỷ USD (tính đến ngày 15/12/2012).
Đây có thể coi là “kết đẹp” cho thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bởi, so với mục tiêu của năm là thu hút từ 15-17 tỷ USD, thì FDI năm 2012 đã hoàn thành kế hoạch. Và như vậy, kết quả thu hút FDI năm 2012 cũng đã giải tiếng oan cho các nhận định trước đó rằng, đây là năm thứ 3 liên tiếp không hoàn thành mục tiêu và là năm thứ 4 liên tiếp suy giảm FDI.
Cứu nguy cho “bàn thua” này chính là số vốn đăng ký tăng thêm đạt 7,7 tỷ USD, tăng tới 130,1% so với năm 2011, trong khi số vốn đăng ký mới lại giảm đến 29,7% so với cùng kỳ, với 8,6 tỷ USD đổ vào 1.287 dự án mới. Điều này cũng cho thấy, các nhà đầu tư đang hoạt động rất có niềm tin và quyết định đầu tư mở rộng dự án. Đây cũng là điểm được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh trước đó tại buổi họp Công bố số liệu thống kê do Bộ này tổ chức vào tháng 1/2012.
Số vốn giải ngân FDI năm 2012 không thay đổi so với công bố trước đó, đạt 10,46 tỷ USD, giảm 4,9% so với năm 2011.
Thứ tự của các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều FDI không có gì thay đổi với vị trí đứng đầu của công nghiệp chế biến, chế tạo, đạt hơn 11,7 tỷ USD, chiếm hơn 71,5% tổng vốn FDI năm 2012. Nhờ dự án “khủng” Khu đô thị Tokyu Bình Dương với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã vươn lên vị trí thứ hai, mặc dù chỉ có 13 dự án mới và 8 dự án tăng vốn. Tiếp đó là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông; xây dựng; vận tải kho bãi...
Nhật Bản vẫn là quốc gia có số vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhất, đạt gần 5,6 tỷ USD tính cả cấp mới và tăng thêm, chiếm đến 34,2% tổng vốn FDI vào Việt Nam năm 2012. So với công bố trước đó, vị trí thứ 2 là Singapore và thứ 3 là Hàn Quốc đã có sự thay đổi. Theo công bố mới, vị trí thứ 2 là Đài Loan (trước đó ở vị trí thứ 7) với số vốn đầu tư vào Việt Nam là hơn 2,6 tỷ USD, chiếm 16,2%; đứng thứ 3 là Singapore với hơn 1,9 tỷ USD (11,8%); Hàn Quốc xuống vị trí thứ 4 với hơn 1,28 tỷ USD (7,8%).
Phân theo địa phương, Bình Dương vẫn là tỉnh thu hút được nhiều vốn FDI nhất, đạt gần 2,8 tỷ USD, chiếm 17,1%. Đứng ở vị trí thứ hai là Hà Tĩnh với hơn 2,1 tỷ USD (chiếm 13,1%). Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 với số vốn FDI gần bằng nhau, tương ứng 1,345 tỷ USD (8,2%) và 1,340 tỷ USD (8,1%).
Khu vực FDI vẫn xuất siêu trong năm nay theo công bố mới. Tính cả dầu thô, khu vực này xuất khẩu đạt hơn 72,27 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 59,94 tỷ USD, tăng 22,7% so cùng kỳ. Như vậy, tính cả dầu thô, thì FDI đã xuất siêu hơn 12,3 tỷ USD.
“Bàn thắng đẹp” của FDI năm qua được coi là động lực để Việt Nam có thể tự tin hoàn thành kế hoạch thu hút khoảng 13-14 tỷ USD vốn đăng ký, 10,5-11 tỷ USD vốn thực hiện năm 2013.