Xây dựng nông thôn mới tại Đại Từ: Vướng mắc sau quy hoạch

09:19, 26/03/2013

Đến nay, huyện Đại Từ đã hoàn thành quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự kiến, đến giữa tháng 4/2013, các xã của huyện sẽ hoàn thiện và phê duyệt Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các địa phương trên địa bàn đều đang rất lúng túng.

Là một trong những xã được chọn làm điểm xây dựng NTM ở Đại Từ, Tiên Hội đã xong bước quy hoạch tổng thể từ tháng 12/2012. Tuy vậy, đến nay, xã vẫn chưa bắt tay vào xây dựng Đề án xây dựng NTM và Đề án phát triển sản xuất. Trong đó, Đề án xây dựng NTM (gồm quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển sản xuất) chính là việc cụ thể hóa quy hoạch tổng thể, đề ra lộ trình thời gian thực hiện các tiêu chí, nguồn lực thực hiện và các yếu tố liên quan. Anh Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Các tiêu chí về đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa… đều cần kinh phí hỗ trợ rất lớn. Trong khi chúng tôi chưa biết sẽ được cấp kinh phí thực hiện là bao nhiêu? Thời điểm nào cấp? cơ chế hỗ trợ kinh phí là như thế nào? Xã không thể xây dựng quy hoạch nếu không có đủ thông tin cần thiết. Ngoài ra, quy định NTM mới bắt buộc phải có tiêu chí chợ. Tuy nhiên, với đặc thù vị trí của Tiên Hội, yếu tố này không cần thiết. Xã có diện tích nhỏ, lại nằm gần 3 khu chợ là Ba Găng, xã Khôi Kỳ, chợ Hoàng Nông và chợ trung tâm thị trấn. Chúng tôi đề nghị không cần thực hiện tiêu chí chợ trong lộ trình NTM.

 

 

Đối với xã An Khánh, việc triển khai xây dựng NTM cũng gặp khó ngay từ bước quy hoạch. Cụ thể là chất lượng quy hoạch chung không đảm bảo và phù hợp thực tế. Đơn vị được chỉ định tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng Vinainco (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Do không nắm rõ thực tế địa phương nên trong đồ án quy hoạch tổng thể, Công ty đã đưa vào nhiều tư liệu, địa danh không chính xác nên xã phải sửa nhiều. Tương tự là ở La Bằng, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thép nói: Đơn vị tư vấn thiết kế có chuyên môn trong lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhưng không am hiểu về nông nghiệp. Do vậy khi bắt tay vào thực hiện quy hoạch có nhiều lúng túng. Nhiều lãnh đạo địa phương khác cũng cho rằng, quy hoạch chung không thật sự phù hợp, khiến việc triển khai các bước tiếp theo bị ảnh hưởng.

 

Một vướng mắc nữa trong xây dựng NTM là việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển sản xuất. Đơn cử, ý tưởng về sản xuất tập trung, cánh đồng một giống đã được xã Tiên Hội triển khai từ năm 2011. Khu vực được lựa chọn là cánh đồng Trại (thuộc 2 xóm Soi Chè và Đồng Mạc), diện tích hơn 10 ha, có địa hình bằng phẳng thuận lợi cho việc cơ giới hóa. UBND xã Tiên Hội đã tổ chức họp nhân dân 2 xóm để thống nhất. Hầu hết mọi người đều ủng hộ ý tưởng nhưng khi thực hiện thì không ai tham gia. Bà con băn khoăn vì không có cơ chế, chính sách cho việc dồn điền đổi thửa, việc thực hiện các các mô hình lấy gì đảm bảo sẽ thành công và khi không đạt thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Do vậy, ý tưởng ban đầu của xã vì thế thất bại.

 

Trong quy hoạch tổng thể, các xã đều đã chỉ ra các khu vực sản xuất tập trung. Tuy nhiên, hầu hết đều chưa có cơ chế chính sách, khuyến khích nhân dân đầu tư vào các khu vực này. Điều này dẫn đến một nghịch lý, những gia đình có đất trong khu quy hoạch thì không có tiền để đầu tư xây dựng mô hình sản xuất. Gia đình muốn mở trang trại lại không nằm trong khu quy hoạch. Gia đình ông Trần Văn Định, xóm Sơn Hà, xã Hùng Sơn mua hơn 3 nghìn m2 trong vùng quy hoạch chăn nuôi ở xóm Phúc Lẩm, xã Tiên Hội để phát triển trang trại từ tháng cuối năm 2012. Ông Định chia sẻ: Việc tôi mua đất và mở trang trại ở đây là hoàn toàn tự phát, chính quyền địa phương chưa có định hướng và hỗ trợ nào cả. Thậm chí, tôi mua đất ở đây còn bị ép giá cao hơn so với thực tế.

 

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban Thường trực Ban Quản lý Chương trình xây dựng NTM huyện Đại Từ thừa nhận: Trong lộ trình xây dựng NTM, các đơn vị tư vấn quy hoạch và lập đề án xây dựng còn thiếu kinh nghiệm và chưa sát thực tế. Điều này khiến nhiều xã lúng túng trong xây dựng và triển khai các đề án sản xuất, cũng như các bước tiếp theo. Chúng tôi chủ trương sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các xã, xây dựng các mô hình sản xuất điểm để cùng học tập, rút kinh nghiệm. Huyện sẽ tạo điều kiện về vốn và giải phóng mặt bằng cho các mô hình sản xuất. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các cánh đồng 1 giống tại các xã Cù Vân, Bản Ngoại…

 

Để khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, năm 2012, UBND huyện Đại Từ đã hỗ trợ trực tiếp cho 10 trang trại, mỗi trang trại 150 triệu đồng. Đây là những trang trại tiêu biểu, có quy mô đạt chuẩn theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT và bảo đảm yếu tố về môi trường.