Từ năm 2012 đến nay, ngành Xây dựng cũng như các ngành khác gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD) do tác động của khủng hoàng tài chính, suy thoát kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó giảm đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Vì vậy, so với các lĩnh vực khác, ngành Xây dựng chịu sự ảnh hưởng khá lớn do thị trường xây dựng thu hẹp, nhiều công trình bị giãn, hoãn tiến độ.
Năm 2013, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh hầu như chưa có. Đi đôi với đó, chủ đầu tư nợ đọng vốn; việc huy động vốn khó khăn nên đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các đơn vị cũng như đời sống, việc làm thu nhập của người lao động. Trong khi đó, lực lượng lao động trong ngành cũng như lao động xã hội tham gia vào lĩnh vực này khá đông. Bài toán làm gì để duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm thường xuyên và thu nhập cho người lao động luôn là vấn đề được các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng quan tâm tháo gỡ.
Anh Đỗ Quang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần (CTCP) Tư vấn và Đầu tư xây dựng cho biết: Là một doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư xây dựng và thi công xây lắp, Công ty cũng gặp không ít khó khăn thách thức nêu trên và có cả sự cạnh tranh giữa các đơn vị cùng chức năng nhiệm vụ, song Công ty cũng tìm mọi biện pháp để khắc phục khó khăn như: mở rộng thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục đầu tư máy móc thiết bị (như: máy kéo thép, máy ép bê tông, súng bật nẩy và máy siêu âm bê tông…) để kiểm định chất lượng vật liệu xây dựng nhằm tạo việc làm cho người lao động và tăng doanh thu cho đơn vị; không ngừng mở rộng thị trường ra các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Hà Nội. Ngoài ra là thực hiện tiết kiệm chi tiêu; coi trọng công tác thi đua nhằm động viên, khuyến khích người lao động chủ động sáng tạo trong công việc; giao kế hoạch cho các đơn vị sát với thực tiễn. Rà soát, điều chỉnh định mức nội bộ phù hợp; đổi mới cơ chế quản lý để khích lệ người lao động; tạo tính chủ động cho đội ngũ cán bộ từ cấp đội trưởng trở lên tự tìm thị trường, tự nâng cao năng lực quản lý, khai thác được nhiều hợp đồng.
Chính vì vậy, năm 2012, Công ty vẫn đảm bảo các chỉ tiêu Nhà nước giao; đảm bảo việc làm ổn định cho 120 lao động với mức thu nhập bình quân đạt trên 5 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty xác định vẫn còn nhiều khó khăn, song với giải pháp trọng tâm là tích cực khai thác thị trường; mở hướng liên doanh, liên kết với các đơn vị tỉnh bạn và mở rộng chủ đầu tư (không nhất thiết chỉ là các cơ quan nhà nước, mà cả tư nhân). Do vậy, Công ty đã ký được trên 150 hợp đồng; dự kiến doanh thu 4 tháng đầu năm 2013 đạt gần 4,5 tỷ đồng; việc làm, thu nhập của người lao động vẫn ổn định ở mức trên; các chế độ, chính sách của người lao động được bảo đảm. Còn đối với Công ty CP Xây dựng số II, anh Nguyễn Ngọc Ánh, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Nhiệm vụ của đơn vị là xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; san lấp mặt bằng, tư vấn xây dựng, tư vấn thiết kế… Hiện, Công ty có trên 70 lao động và khoảng 200 đến 250 lao động theo thời vụ. Công ty cũng gặp khó khăn chung do các công trình xây dựng bị cắt giảm, vốn đầu tư chậm và hạn chế. Khó khăn riêng của đơn vị là vốn điều lệ ít (khoảng 3 tỷ đồng), trong khi đó các công trình lại đấu thầu rộng rãi, công việc tự tìm kiếm. Để duy trì việc làm, thu nhập thường xuyên cho người lao động, Công ty đã phải sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hợp lý hàng năm để phát huy năng lực của mỗi người; tích cực khai thác, mở rộng thị trường; vận động các cổ đông đóng góp vốn cho Công ty. Vì vậy, trong khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm thu nhập của người lao động vẫn ổn định. Từ đầu năm 2013 đến nay, Công ty đã ký được nhiều hợp đồng mới, cộng với hợp đồng chuyển tiếp là 65 tỷ đồng. Quý I/2013, doanh thu đạt 8,5 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch, tăng 386% so với cùng kỳ; nộp ngân sách được 670 triệu đồng/2 tỷ 150 triệu đồng kế hoạch; thu nhập của người lao động đạt 4 triệu đồng/người/tháng…
Ngoài 2 đơn vị trên, một số đơn vị trong khối sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó khăn nhiều nhất do hàng tồn kho nhiều; lao động phải nghỉ luân phiên, song mỗi đơn vị đều có cách làm riêng để giữ vững sự ổn định và đảm bảo việc làm cho người lao động như: Công ty CP Xây dựng số I đã quan tâm đến việc thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động; tích cực triển khai các phong trào thi đua do tỉnh và Ngành phát động, đặc biệt là phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng tiến bộ vào sản xuất và phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hoặc Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên mặc dù rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vật liệu song đơn vị đã tập trung đầu tư đổi mới, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động nên vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh và đảm bảo việc làm, đời sống cho người lao động…
Được biết, mặc dù ngành Xây dựng phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy, song do các doanh nghiệp đã xác định được nhiệm vụ trọng tâm là có hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh thì mới có thu nhập; đời sống của người lao động mới được cải thiện. Vì vậy, các doanh nghiệp đã bám sát sự chỉ đạo của Công đoàn ngành và Sở Xây dựng tổ chức phát động các phong trào thi đua, trọng tâm là đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo nhằm góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Qua các phong trào thi đua đã thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo của mỗi người lao động trong công việc, không ngừng hoàn thiện trong khâu quản lý, tổ chức sản xuất, thúc đẩy phong trào tự học nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân. Đi đôi với công tác trên, các công đoàn cơ sở đã thường xuyên phối hợp với chuyên môn thăm hỏi động viên những gia đình chính sách, gia đình khó khăn kịp thời; Công đoàn Ngành đã tạo điều kiện cho công nhân, lao động vay vốn giải quyết việc làm với số tiền trên 500 triệu đồng; một số công đoàn cơ sở còn bảo lãnh các ngân hàng cho người lao động có nguyện vọng vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 2 tỷ đồng... Từ đó góp phần làm cho công nhân lao động yên tâm, cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao (trong 2 năm 2010-2011, có 32 lượt doanh nghiệp hoàn thành vượt mức kế hoạch năm; năm 2012, có 17 doanh nghiệp về trước kế hoạch từ 10 ngày đến 30 ngày).