Từ cuối năm 2012 đến nay, 10ha chè cành của nông dân xã Bá Xuyên (T.X Sông Công) bị thiếu nước dẫn tới tình trạng chè ra ít búp, còi cọc cho năng suất rất thấp. Thậm chí, một số diện tích chè không được thu hái và lnhiều gốc chè đã chết khô. Trên 120 hộ dân có diện tích chè bị ảnh hưởng không thể đối phó với tình trạng khô hạn này và họ đang mong mỏi nhận được hỗ trợ khắc phục từ các ngành chức năng của địa phương.
Trên khắp cánh đồng Soi Chè rộng 10ha thuộc 3 xóm: Ao Cang, Chũng Na và Lý Nhân, chè đã không còn màu xanh như những vụ trước mà tất cả đều có búp bị xoăn, chuyển màu đỏ tía. Một số diện tích chè không nảy mầm được, thậm chí có những cây chè còn bị lụi hoặc chết khô.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, xóm Ao Cang trồng gần 6 sào chè nằm trong diện tích trên từ năm 2001. Chị Nhung cho biết: Nếu có đủ nước, năng suất chè đạt từ 25-30kg chè khô/sào, nhưng nay chỉ được từ 13-15 kg/sào. Mặc dù vậy, để đảm bảo thu hái được một nửa năng suất, chị Nhung đã phải thuê máy bơm nước với giá 50 nghìn đồng/sào và số nước bơm lên cũng chỉ đủ giữ ẩm cho chè trong 1 tuần. Nếu trời không mưa, mỗi lứa chè, nhà chị phải bơm từ 3 đến 4 lần. Như vậy, ngoài những chi phí thông thường, chị Nhung phải chi thêm khoảng 1 triệu đồng cho mỗi lứa chè trong khi năng suất chè vẫn giảm chỉ bằng 1/2 so với trước đây.
Cùng chịu cảnh thiếu nước tưới chè như gia đình chị Nhung nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Chiến xóm Ao Cang bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi năng suất chè của gia đình chị giảm tới 80% trong vụ Đông năm 2012 và vụ Xuân năm 2013 do diện tích chè của gia đình chị xa nguồn nước, không thuận tiện cho việc bơm nước tưới tiêu. Trung bình, mỗi sào chè, chị Nhung chỉ thu về từ 5 đến 8kg chè khô/sào. Chị cho biết: “Kinh tế gia đình trông vào 5 sào chè nên khi chè giảm mạnh năng suất, gia đình tôi rất khó khăn”.
Được biết, toàn xã Bá Xuyên có trên 120 hộ có đất trồng chè nằm trong khu vực cánh đồng Soi Chè bị thiếu nước tưới nghiêm trọng trong 2 vụ chè vừa qua. Nguyên nhân của tình trạng trên theo chính quyền địa phương là do trạm bơm Ao Cang xây dựng từ những năm 1994 nay đã xuống cấp. Trạm bơm này phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp cho 3 xóm: Ao Cang, Chũng Na và 1 phần của xóm Lý Nhân có tổng diện tích 45ha trong đó có 10ha chè cành trên cánh đồng Soi Chè. Trạm bơm đã được sửa chữa nhiều lần nhưng do đã lâu năm nên không phát huy hiệu quả, thường xuyên bị hỏng hóc. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến cây chè “khát” nước là hệ thống thủy lợi gồm: 4km kênh cấp II, 6 cống trên các tuyến kênh do xã quản lý và gần 1,2 km trong tổng số hơn 1,75km kênh mương được kiên cố hóa của Bá Xuyên đã xuống cấp, không đảm bảo tưới tiêu. Bên cạnh những nguyên nhân trên thì tháng 11/2012, khi thi công đoạn đường bê tông qua vùng chè, đơn vị thi công đã làm sập đoạn cống nước ra kênh dẫn vào vùng chè. Từ các nguyên nhân trên, 45 ha đất nông nghiệp của xã Bá Xuyên bị thiếu nước trong đó toàn bộ diện tích 10ha chè trong diện tích cánh đồng Soi Chè bị ảnh hưởng nặng nề nhất và gây hậu quả là chè ở đây, búp xoăn chuyển màu đỏ tía chứ không có màu xanh và mập như bình thường và thậm chí một số diện tích chè không nảy mầm được…
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên cho biết: UBND xã đã nắm được những thiệt hại trên và đã tiến hành khảo sát, lên phương án xử lý nhưng chưa thể khắc phục trong thời gian tới do không đủ kinh phí. Riêng trạm bơm, để thay thế máy bơm và thiết bị kèm theo với kinh phí khoảng 60 triệu đồng thì xã sẽ dùng nguồn hỗ trợ tiền điện, tiền thủy lợi phí của Nhà nước cho nông dân để thay thế nhưng để sửa chữa kênh mương, cống dẫn nước thì đòi hỏi kinh phí lớn và xã không thể bố trí ngay được.
Thực trạng thiếu nước của 120 hộ nông dân trồng chè trên địa bàn xã Bá Xuyên sẽ còn tiếp tục xảy ra nếu không có sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ phía các ban, ngành và chính quyền T.X Sông Công. Bà con nông dân nơi đây đang rất cần sự giúp đỡ của T.X Sông Công để nhanh chóng sửa chữa các công trình thủy lợi, khắc phục tình trạng thiếu nước cho cánh đồng Soi Chè nói riêng và diện tích hàng chục ha đất nông nghiệp của xã Bá Xuyên nói chung.