Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế sự lây lan, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, cấp ủy, chính quyền và người chăn nuôi xã Bình Long (Võ Nhai) đã và đang tích cực chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi...
Có mặt tại một số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các xóm: Bình An, An Long, Đại Long, Long Thành và Cây Trôi, chúng tôi nhận thấy chuồng trại của hộ chăn nuôi nào cũng được vệ sinh sạch sẽ. Xung quanh chuồng chăn nuôi lợn, khu vực chăn thả gà còn được rắc vôi bột xung quanh để ngăn mầm bệnh xâm nhập. Gia đình anh Hoàng Văn Bện, xóm Trại Rẽo thường nuôi mỗi năm từ 4-5 nghìn con gà mía thả vườn, đem lại nguồn thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng. Thời điểm này, gia đình anh đang có 1.000 con gà chuẩn bị xuất bán. Ý thức được việc phòng bệnh hơn trị bệnh nên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc được gia đình anh thực hiện thường xuyên. Anh Bện cho biết: Cùng với việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ thì điều quan trọng là phải làm tốt việc tiêm phòng thì đàn gà mới khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh. Ngoài số thuốc được xã cấp cho hằng năm, gia đình tôi còn chủ động mua thêm về tiêm phòng theo định kỳ, theo từng lứa tuổi. Nhờ đó, đàn gà của gia đình luôn khỏe mạnh, không bị mắc dịch bệnh.
Không chỉ gia đình anh Bện mà hầu hết các hộ chăn nuôi giống gà mía trên địa bàn xã đều chủ động các biện pháp tiêm phòng cho đàn gà và khử trùng tiêu độc chuồng trại. Bởi hơn ai hết, bà con đều nhận thức rõ được những thiệt hại về kinh tế khi có dịch bệnh xảy ra. Anh Nguyễn Huy Hiệp, Trưởng xóm Bình An cho biết: Cả xóm có 38 hộ thì có đến 35 hộ chăn nuôi gà với quy mô 3 - 4 nghìn con, thậm chí là 8 - 9 nghìn con gà/lứa. Do vậy, vấn đề phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà luôn được các hộ đặc biệt chú trọng. Nếu không làm tốt khâu phòng dịch thì người chăn nuôi sẽ bị thiệt hại rất nặng nề về kinh tế. Thường thường thì 7 - 10 ngày, bà con lại tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại một lần...
Theo số liệu thống kê, hiện xã Bình Long có 500 con trâu, bò; 6.000 con lợn và trên 150 nghìn con gia cầm các loại, trong đó chủ yếu là gà mía thả vườn được nuôi tập trung ở các xóm: Bình An, Trại Giẽo, Long Thành, Ót Giải, Đèo Ngà, Đại Long, Chiến Thắng... Đây cũng là những xóm thường hay xảy ra dịch bệnh. Do vậy, ngay từ đầu năm nay, UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật xã (BCĐ), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các xóm, đồng thời triển khai ngay kế hoạch tiêm văc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kết thúc tiêm phòng đợt I, toàn xã đã tiêm được 250/500 liều văc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; 1.100/2.000 liều văc-xin dịch tả lợn; 300/300 liều văc-xin bệnh xoắn khuẩn, 350/600 liều văc-xin phòng bệnh lở mồm long móng; 334/350 liều văc-xin dại chó và 50 nghìn liều văc-xin cúm gia cầm (chủ yếu dành cho xóm Bình An).
Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng BCĐ phòng chống dịch bệnh động vật xã Bình Long cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm được xã quan tâm thực hiện thường xuyên. Hiện đang là thời điểm giao mùa nóng, ẩm cộng với mua phùn là điều kiện thuận lợi cho các loại bệnh trên đàn gia súc xuất hiện và lây lan. Để chủ động với những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh dễ có khả năng bùng phát, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và hoàn thành công tác tiêm văc-xin phòng bệnh đợt I cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện như: Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông mở được 5 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng một số bệnh đàn vật nuôi cho 175 lượt người tham gia. Nhận thức rõ việc phòng, chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, nên các hộ chăn nuôi tập trung ở xã đã chủ động thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn vật nuôi. Đến thời điểm này, đàn vật nuôi trên địa bàn xã vẫn được bảo vệ an toàn và phát triển ổn định.