Chúng ta đều biết, năm 2012, ngành Công nghiệp của tỉnh không đạt được các chỉ tiêu như kế hoạch đề ra. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà quản lý, nhà xây dựng kế hoạch khi bước vào năm 2013. Tuy nhiên, qua hơn 3 tháng sản xuất vừa qua, dù kết quả chưa như mong muốn, song ngành Công nghiệp của tỉnh cũng đã cho thấy những tín hiệu tích cực và khả quan hơn.
Tháng đầu tiên của năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng tới 9,25% so với cùng kỳ. Hai tháng sau đó tuy có giảm do hàng tồn kho còn lớn, song tính chung cả quý I năm nay chỉ số sản xuất toàn ngành vẫn đạt mức tương đương và có chiều hướng cao hơn so với năm trước. Hai lĩnh vực của ngành Công nghiệp tăng so với cùng kỳ là sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, thu gom rác thải. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì thực tế sức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp thường tăng mạnh từ quý II của năm trở đi. Điều đó có lý bởi những tháng đầu năm thường chịu tác động nhất định từ việc nghỉ Tết Nguyên đán. Thị trường thời điểm này cũng trầm lắng hơn, nên lượng tồn kho lớn dẫn tới việc các doanh nghiệp phải giới hạn sản xuất so với bình thường. Bước sang quý II, khi nhu cầu về xây dựng tăng cao, ngành Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, gạch ngói…) sẽ vào guồng quay hoạt động mạnh mẽ hơn. Trong tháng 4 này, dự kiến sản xuất của các ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng và ngành sản xuất điện, nước đều có biểu hiện tăng trở lại.
Theo kế hoạch thì năm 2013 này, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt 15.930 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2012. Trong đó, công nghiệp trung ương là 9.130 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2012; công nghiệp địa phương là 5.973 tỷ đồng, tăng 20%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 828 tỷ đồng, tăng 10%. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu việc xây dựng kế hoạch năm nay tăng tới 16% so với năm trước có khả thi? Trả lời câu hỏi này, các nhà xây dựng kế hoạch của Ngành Công Thương giải thích: Trước tiên, việc xây dựng kế hoạch tăng là mang tính quy luật phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Thứ hai, chính tình hình thực tế khả năng phát triển công nghiệp năm nay của tỉnh cho phép chúng ta có quyền khẳng định sẽ đạt được kế hoạch đề ra. Theo tính toán thì năm 2013, ngoài giá trị tăng trưởng nội tại khoảng 2.320 tỷ đồng, ngành Công nghiệp còn trông vào năng lực mới tăng thêm do một số dự án quy mô lớn đóng góp với giá trị ước tính lên tới 2.450 tỷ đồng. Một trong những dự án được kỳ vọng nhiều nhất, dự kiến sẽ vận hành trong quý II này là Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo. Chỉ cần đạt trên 20% kế hoạch thì dự kiến Dự án này cũng đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh khoảng 600 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy cán thép Thái Trung, công suất 500.000 tấn thép/năm đủ điều kiện sản xuất trong năm nay cũng đóng góp một phần đáng kể, dự kiến khoảng 1.750 tỷ đồng. Ngoài ra, một số dự án khai thác chế biến khoáng sản khác trên địa bàn cũng có giá trị mới tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, một loạt các giải pháp quan trọng đã được tỉnh thống nhất triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Trước tiên là tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn và giải ngân kịp thời các nguồn vốn đầu tư. Tiếp theo các ngành chức năng có trách nhiệm thực hiện đủ, đúng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hệ thống ngân hàng tiến hành giảm lãi suất tín dụng theo chỉ đạo chung; ngành Thuế tiếp tục hoãn, giãn, giảm, miễn thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh sẽ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn nói chung; xem xét, cơ cấu lại nợ, có giải pháp giãn nợ cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng xem xét các cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp cổ phần và sử dụng nhiều lao động bằng việc giao công trình, dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh cho các doanh nghiệp thi công; khuyến khích công trình dùng hàng địa phương để kích cầu tiêu thụ nội tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trọng tâm có giá trị lớn. Yêu cầu các ngành, địa phương tích cực tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho họ. Về phía mình, các doanh nghiệp trên cơ sở thực tế cũng sẽ nghiên cứu tổ chức lại sản xuất và tăng cường công tác quản lý để giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tích cực liên kết tìm kiếm thị trường, giải quyết hàng tồn kho, phấn đấu sản xuất kinh doanh ổn định...