Không những đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả trong tỉnh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp Thái Nguyên đã hướng đầu tư đến các địa phương giàu tiềm năng khác trong khu vực. Một trong những đơn vị đi tiên phong đầu tư ngoài tỉnh phải kể đến là HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công (gọi tắt là HTX Chiến Công) với các dự án khai khoáng và luyện kim quy mô lớn tại Cao Bằng, Tuyên Quang và nước bạn Lào.
Đầu tháng 4 vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư – an sinh xã hội vùng Tây Bắc được tổ chức ở tỉnh Tuyên Quang do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, HTX Chiến Công cùng với một số doanh nghiệp của Thái Nguyên đã có các hoạt động ký kết đầu tư vào khu vực này với số vốn lên tới cả nghìn tỷ đồng. HTX Chiến Công đã chỉ đạo Công ty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công tại Tuyên Quang ký hợp đồng nguyên tắc với Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên về đầu tư vốn tài chính cho đơn vị với tổng hạn mức tín dụng mở rộng là 35 triệu USD. Trong đó, vốn đầu tư giai đoạn 2 cho Nhà máy mangan Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để nâng công suất từ 15.000 tấn sản phẩm/năm lên 30.000 tấn/năm là 5 triệu USD. Số còn lại, 30 triệu USD, HTX sẽ dành triển khai Dự án Tìm kiếm, khảo sát, thăm dò mỏ thiếc, chì, kẽm trên diện tích 300 km2 tại Huyện Cuôn tỉnh Hủa Phăn và huyện Noỏng Hẹt tỉnh Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào. Trong đó, vốn dành cho giai đoạn đầu để thăm dò, tìm kiếm khoáng sản là 8 triệu USD; vốn giai đoạn 2 để xây dựng nhà máy tuyển khoáng là 7 triệu USD và vốn giai đoạn 3 để xây dựng nhà máy luyện kim là 15 triệu USD.
Ông Đinh Huy Chiến Chủ nhiệm HTX Chiến Công cho biết: Cuối năm 2005, sau khi tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, nhận thấy tiềm năng khoáng sản khá dồi dào tại đây, tôi đã quyết định đăng ký đầu tư dự án: Khai thác và chế biến quặng mangan ở huyện Chiêm Hóa. Đây là dự án khai thác và chế biến sâu khoáng sản đầu tiên của tỉnh này. Ngay sau đó, HTX đã cho thành lập Công ty CP Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công để triển khai dự án. Lúc này, UBND tỉnh Tuyên Quang đã cấp phép dự án xây dựng nhà máy luyện Fero mangan công suất 15.000 tấn/năm cùng 2 dự án khai thác nhằm cung cấp một phần nguyên liệu cho Nhà máy. Năm 2007, nhà máy luyện Fero mangan khánh thành đi vào hoạt động. Từ 2008, các dự án khai thác và chế biến quặng mangan của đơn vị tại Tuyên Quang đi vào hoạt động ổn định với sản lượng bình quân 12.000 tấn/năm, doanh thu khoảng 450 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 300 người lao động với thu nhập bình quân 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc đầu tư ở Tuyên Quang, HTX Chiến Công còn triển khai đầu tư và sản xuất ổn định tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng với Nhà máy luyện Fero mangan công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. Đây là nhà máy đầu tiên trong nước luyện thành công Fero mangan, nhằm thay thế một phần lớn hàng nhập khẩu. HTX cũng đã góp vốn đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Rạ thuộc khu vực xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh với công suất 18MW, trị giá gần 300 tỷ đồng.
Đầu tư trong nước hiệu quả, có nền tảng vững chắc, HTX đã nghĩ đến việc mở hướng đầu tư ra ngoài nước. Dự án khai thác khoáng sản tại Lào do Công ty CP Công nghiệp Lào (HTX Chiến Công) đứng ra đầu tư khai thác là một hướng đi đúng đắn đối với đơn vị. Ông Đinh Huy Chiến tâm sự: Việc đầu tư của HTX sang nước bạn Lào không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, gắn bó thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Lào anh em. Sự tiên phong đầu tư này của HTX còn mở ra cơ hội hợp tác to lớn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Thái Nguyên với hai tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn...
Năm 2012 là một năm nền kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng cao, tiêu thụ hàng hóa chậm, giá điện tăng. Trước những khó khăn đó, ngoài vẫn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, HTX còn chỉ đạo các đơn vị thành viên nỗ lực cải tiến kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công nhân, tìm các biện pháp tiết kiệm chi phí để ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong năm, các đơn vị thành viên của HTX đều không phải dừng sản xuất, sản phẩm làm ra đều tiêu thụ tốt, sản lượng năm 2012 vượt 30% so với kế hoạch đề ra. Bước sang năm 2013 này, đồng thời với duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, HTX sẽ tập trung cao độ cho triển khai thực hiện các dự án lớn đã ký kết, trong đó đặc biệt chú ý đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 - Nhà máy mangan Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Dự án Tìm kiếm, khảo sát, thăm dò mỏ thiếc, chì, kẽm tại nước bạn Lào.