Doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ đổi mới và hội nhập

14:08, 15/04/2013

Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã xuất hiện một thế hệ mới. Đó là các doanh nghiệp - doanh nhân - những chiến sĩ thời bình - kế tục truyền thống của cha ông là yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, tự lực vươn lên để làm giàu cho bản thân mình, cho xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khát vọng làm giàu của doanh nghiệp, doanh nhân là khát vọng đặc biệt – khát vọng không có tuổi, “…khát như uống nước biển, càng uống càng khát”. Trong kinh doanh càng gian khó, càng khát khao, càng quyết tâm thực hiện: “…Biết biển cả là mưa giông bão giật, bước lên thuyền lòng cứ muốn ra khơi”. Từ Quốc hội khóa I, các doanh nhân nổi tiếng như Ngô Tử Hạ, Nguyễn Sơn Hà... đã tham gia và đóng góp hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội. Vai trò của doanh nhân càng thể hiện rõ nét trong những khóa Quốc hội gần đây, đặc biệt là Quốc hội khóa XIII có tới 38 doanh nhân trúng cử, tham gia bộ máy quyền lực cao nhất của đất nước.

 

 

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhấn mạnh: “…Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân…”. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thêm phấn khởi, tin tưởng và cho rằng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị là bước đột phá có tính định hướng của Đảng, Nhà nước ghi nhận, khẳng định, tôn vinh và thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân.

 

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp, doanh nhân mong rằng, Chính phủ, Quốc hội và các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ giúp doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng (vì hiện nay, trong một bộ phận nhỏ công chức, viên chức vẫn còn tồn tại tư duy quan liêu bao cấp, chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa xác định tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp là nhiệm vụ của mình); có chính sách thuế hợp lý, kịp thời trong từng giai đoạn, cụ thể: thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm xuống 15% hoặc ít nhất phải giảm xuống 20%; thuế VAT đề nghị giảm xuống 5%... Nếu thực hiện được điều này, chi phí được giảm ngay từ đầu vào có tác dụng, ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp. Giá cả đầu ra sẽ hợp lý và tiêu thụ được sản phẩm. Về mặt lý luận nguồn thu sẽ giảm nhưng sản xuất được phục hồi, doanh nghiệp phát triển, kinh doanh hiệu quả, mở rộng đầu tư sản xuất, thực tiễn ngân sách Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn…

 

Chúng tôi tin tưởng rằng: Cùng với ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam, doanh nghiệp - doanh nhân tỉnh Thái Nguyên sẽ ngày càng thực hiện tốt hơn sứ mệnh mà dân tộc giao phó trong việc chủ động hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển doanh nghiệp nhằm góp phần xây dựng quê hương.