Đòn bẩy cho phát triển kinh tế trang trại ở Đại Từ

08:45, 06/04/2013

Tháng 12/2011, HĐND huyện Đại Từ đã ra Nghị quyết thông qua Đề án hỗ trợ kinh phí cho 10 trang trại mỗi năm để xây mới hoặc di chuyển tới khu vực đảm bảo vệ sinh môi trường (từ năm 2012 đến 2015). Sau một năm triển khai thực hiện, Đề án bước đầu phát huy hiệu quả và tạo động lực cho việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn huyện.

Là 1 trong 10 trang trại nằm trong diện được huyện hỗ trợ năm 2012, đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Oánh, xóm Rộc Mán, xã Đức Lương đã có nguồn thu nhập cao từ trang trại nuôi gà thịt. Sau khi mở rộng trang trại và được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại vào tháng 6/2012, đến tháng 10/2012, gia đình ông Oánh đã được UBND huyện hỗ trợ 150 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng cho đầu tư cơ sở hạ tầng, 50 triệu đồng để mua giống, thức ăn.

 

 

 Ông Oánh cho biết: Gia đình tôi đã nuôi gà từ lâu, nhưng chủ yếu là chăn thả nhỏ lẻ, nhiều nhất cũng chỉ vài trăm con. Qua một thời gian, tôi nhận thấy hình thức chăn nuôi này hay xảy ra dịch bệnh và không có lãi. Nhiều lần, tôi muốn xây dựng trang trại nhưng không dám, một phần vì vốn ít, một phần vì sợ không có kinh nghiệm gà bị dịch bệnh. May mắn được chính quyền xã thông báo, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ những hộ chăn nuôi trang trại, tôi lập tức động viên vợ mở rộng, xây dựng khu trang trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, trang trại của gia đình tôi có diện tích 250m2, thường xuyên nuôi 3.000 con gà thịt cho doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Chỉ riêng dịp Tết Quý Tỵ 2013, gia đình tôi bán được gần 6 tấn gà, thu được hơn 200 triệu đồng. Ngoài hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn cử cán bộ, liên tục tư vấn giúp đỡ gia đình tôi về kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ đó, tôi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống két nước làm mát, quạt hút gió và đệm lót sinh học tạo môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, mát mẻ, giúp gà lớn nhanh, ít dịch bệnh hơn.

 

Khác với ông Oánh, gia đình chị Nông Thị Thu, xóm Chính Tắc, xã Na Mao đã xây dựng trang trại và được cấp Giấy chứng nhận từ năm 2007. Trang trại của gia đình chị thường xuyên nuôi 30 con lợn nái sinh sản, 15 đến 20 con lợn hậu bị và 200 đến 300 con lợn thịt mỗi lứa. Năm 2011, giá lợn cao, trang trại của gia đình chị thu lãi gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2007, gia đình chị vẫn có tư duy chăn nuôi cũ nên đã xây trang trại ngay gần nhà. Sau gần 5 năm, mặc dù chị đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi như xây dựng hệ thống bioga, sử dụng đệm lót sinh học đạt yêu cầu vệ sinh môi trường nhưng trang trại vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của gia đình chị và hàng xóm xung quanh. Nhận được thông tin của UBND huyện Đại Từ, chị bàn với chồng quyết tâm xây dựng trang trại ở khu vực mới đảm bảo cách xa khu dân cư. Chị Thu cho biết: So với tổng vốn đầu tư xây dựng trang trại mới của gia đình tôi thì nguồn vốn hỗ trợ của Đề án không lớn, nhưng đó thực sự là động lực khiến tôi thay đổi. Từ sự quan tâm này, tôi đã quyết tâm đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi hiện đại quy mô 3.000m2 với hệ thống máng ăn uống tự động, hầm bioga…

 

Mục đích của Đề án là hướng tới việc thúc đẩy phát triển mới các trang trại công nghiệp, hiện đại, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Trong đó, các trang trại được hỗ trợ phải thỏa mãn điều kiện: đối với chăn nuôi lợn, trang trại phải có quy mô trên 30 con lợn nái ngoại hoặc thường xuyên nuôi từ 200 con lợn thịt trở lên; đối với chăn nuôi gia cầm, quy mô trang trại phải có từ 1.500 con gà đẻ trứng hoặc từ 3.000 con gà thịt trở lên. UBND huyện sẽ hỗ trợ tiền thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng với mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/ trang trại. Đồng thời, hỗ trợ 1 lần 30% chi phí mua giống, thức ăn, mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/trang trại. Những trang trại được hỗ trợ phải thỏa mãn yêu cầu là đầu tư xây dựng mới hoặc di chuyển địa điểm từ khu vực gây ô nhiễm sang vị trí mới đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh thú y.

 

Đánh giá về hiệu quả của Đề án, Bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Đề án đã  bảo đảm mục tiêu phát triển chăn nuôi của huyện Đại Từ theo hướng công nghiệp, hiện đại; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh. Năm 2012, huyện hỗ trợ 10 trang trại với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng nên đã tạo động lực thúc đẩy người dân quyết tâm xây dựng trang trại. Vì vậy, sau một năm thực hiện Đề án, số trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo quy định tăng thêm 11 trang trại. Tổng sản lượng thịt hơi tăng từ 8.845 tấn năm 2011 lên 9.589 tấn năm 2012. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh; từng bước quản lý công tác giết mổ gia súc, gia cầm…