Vừa qua, nhóm nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Standard Chartered đã đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay.
Theo đó, mặc dù GDP quý 1 chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn duy trì nhận định: Việt Nam sẽ phục hồi nhẹ trong năm nay. Thứ nhất, nền kinh tế thường tăng tốc sau quý 1 khi hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịp Tết Nguyên Đán.
Thứ hai, lĩnh vực thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được đà tăng như năm ngoái. Do đó họ dự đoán Việt Nam sẽ hưởng thặng dư thương mại trong năm 2013, xuất khẩu sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ trong khi nhập khẩu sẽ chỉ tăng nhẹ. Theo ước tính, xuất khẩu là một trong những lĩnh vực có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP trong năm 2012.
Thứ ba, việc nới lỏng tiền tệ một cách quyết liệt trong thời gian qua sẽ gia tăng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 3 đã tăng nhẹ so với tháng 2.
Doanh thu bán lẻ trong quý 1 chỉ tăng 11,7% so với cùng kỳ, mức tăng chậm nhất kể từ năm 2005. Năm 2012, doanh số bán lẻ đã tăng trung bình 21%. Thế nhưng doanh số bán xe quý 1 đã có dấu hiệu tăng trở lại, dự đoán một sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong một vài quý tới.
Sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng khá chậm trong quý 1, với mức tăng trung bình 5,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khi tính theo tháng, chỉ số này đã phục hồi trở lại với mức tăng 5,6% trong tháng 3 sau khi suy giảm 10,1% trong tháng 2. Nhóm nghiên cứu dự đoán sản xuất công nghiệp của Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất và sự cải thiện của dòng đầu tư.
Hoạt động thương mại trong quý 1/2013 không ổn định, tuy nhiên, cán cân thương mại vẫn thặng dư 382 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 21%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại cao hơn so với các nước trong ASEAN. Nhập khẩu tăng trưởng 21% trong quý 1, so với mức tăng 15% trong quý 4/2012, thể hiện sự cải thiện trong nhu cầu nội địa. Nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 11,6% trong quý 1, so với mức giảm 8,9% cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam hưởng thặng dư thương mại kể từ năm 2001. Xuất khẩu ròng đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu ớt và hoạt động đầu tư suy giảm. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng tích cực trong năm 2013 khi nhu cầu thế giới đang dần hồi phục và nhu cầu trong nước tăng nhẹ. Điều này cũng sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Áp lực lạm phát đã suy yếu trong tháng 3 khi lạm phát CPI giảm xuống 6,6% từ mức 7% trong tháng 2. Theo ước tính của nhóm nghiên cứu, lạm phát cơ bản đã giảm nhẹ từ 12,2% xuống 11,3%. Dữ liệu điều chỉnh theo tháng của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy sự suy giảm của lạm phát CPI, từ mức 0,4% trước đó xuống 0,1%.
Tuy nhiên, giá cả thực phẩm đã bắt đầu tăng trở lại sau khi hạ nhiệt trong năm ngoái, một xu hướng đối lập so với tỷ lệ lạm phát lõi thấp trong thời gian gần đây. Nhóm nghiên cứu nhận thấy giá thực phẩm gia tăng là một nguy cơ tiềm ẩn gây sức ép lên lạm phát do nhóm thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn (39,93%) trong rổ hàng hóa tính CPI.