Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn của huyện Phổ Yên (gần 2 nghìn ha), vài năm trở lại đây, người dân xã Phúc Thuận đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thấy hiệu quả, cuối năm 2011, 21 hộ dân trong xã đã quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) nuôi ong Phúc Thuận với mục đích liên kết trong sản xuất, cung cấp cho thị trường sản phẩm mật ong thơm ngon, chất lượng.
Gia đình ông Nguyễn Đăng Yến, ở xóm Phúc Tài gắn bó với nghề nuôi ong đã hơn 20 năm. Vào mùa này, hoa vải, hoa nhãn bung nở cũng là thời điểm người nuôi ong bận rộn nhất với việc thu hoạch mật. Cùng chúng tôi đi dưới vườn vải, nghe rộn ràng tiếng ong vo ve đi tìm hương hút mật, ông Yến chia sẻ: Nhà tôi có hơn 200 đàn ong, mỗi năm cho thu khoảng 1,5 tấn mật, với giá bán trung bình 150 nghìn đồng/kg, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Vào vụ hoa nhãn, nhà tôi chia đôi đàn ong, mang về tỉnh Hưng Yên để khai thác mật. Ngoài nuôi ong lấy mật, gia đình tôi còn bán ong giống cho các hộ dân có nhu cầu. Nhờ nuôi ong, đến nay, nhà tôi đã có thu nhập ổn định, xây được nhà cấp 4 khang trang.
Về kỹ thuật nuôi ong, ông Yến cho biết: Nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, chịu khó kiểm tra đàn ong thường xuyên và phải tinh tê, nhạy bén phát hiện sự thay đổi bất thường của đàn ong để kịp thời xử lý. Đặc biệt, người nuôi cần phải hiểu rõ về đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, kỹ thuật tạo chúa cho đàn ong. Ngoài ra, vào mùa đông cần phải giữ ấm cho đàn ong, chú ý phòng bệnh thối ấu trùng và cho chúng ăn thêm đường để bổ sung chất dinh dưỡng, phải thường xuyên vệ sinh cho đàn ong, đảo cầu, cắt ong nhộng đực bỏ đi và luôn kiểm tra ong chúa...
Khác với ông Yến, gia đình ông Trần Văn Thừa, Chủ nhiệm HTX nuôi ong Phúc Thuận mới vào nghề được 3 năm nay. Với sự ham mê học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, mô hình nuôi ong của ông cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhìn ông khéo léo cắt vít bánh tổ, đưa cầu vào thùng quay, rồi những cầu ong vàng ươm từ từ tuôn ra những giọt mật sóng sánh, tỏa ra mùi thơm phức. Ông nói: Khi đàn ong đi lấy mật về được khoảng 8 ngày là phải quay lấy mật, nếu không chúng sẽ đắp chúa khác và tự tách đàn, bốc bay mất. Cách quay mật cũng đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong nhẹ nhàng để không làm tổn thương đàn ong. Tôi nhận thấy ưu điểm của nghề nuôi ong là chi phí đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa. Bởi vậy, người nuôi ong phải lựa chọn địa điểm đặt đàn ong gần nguồn mật phấn hoa. Loài hoa để ong lấy mật tốt nhất và ngon nhất là hoa nhãn. Hiện nay, với 100 đàn ong, mỗi năm, gia đình ông Thừa thu được 6 tạ mật, thu lãi 90 triệu đồng.
Không chỉ anh Yến, ông Thừa, hiện toàn xã Phúc Thuận có khoảng hơn 40 hộ nuôi ong, bình quân mỗi hộ nuôi từ 40-80 đàn. Tìm hiểu được biết, nghề nuôi ong ở Phúc Thuận đã có cách đây khoảng 20 năm. Trước kia, người dân chỉ tận dụng nguồn hoa rừng tự nhiên để nuôi, quy mô nhỏ lẻ nên năng suất mật thấp. Từ năm 2005 trở lại đây, khi diện tích cây ăn quả của xã tăng mạnh thì nghề nuôi ong cũng được nhân rộng. Vì vậy, để tiêu thụ sản phẩm thuận lợi cũng như trao đổi kỹ thuật, trong chăn nuôi, 21 hộ dân trong xã đã đứng ra thành lập HTX vào cuối năm 2011. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường cho hơn 20 tấn mật. Về đầu ra cho sản phẩm, ông Trần Mạnh Thừa cho biết: Mật ong Phúc Thuận thường có màu vàng cánh gián, đặc sánh, thơm ngon, bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 20 độ C trong vài năm vẫn không bị biến chất. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi vẫn chỉ bán cho khách quen chứ chưa có đầu ra ổn định, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng, đôi khi còn bị tư thương ép giá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ái, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Mô hình nuôi ong lấy mật rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm lúc nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân. Hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong mật đã thấy rõ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện để từng bước xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân.