Người phụ nữ với niềm đam mê cây cảnh

11:21, 02/04/2013

Bằng sự đam mê với nghề trồng cây cảnh, chị Nguyễn Thị Thuật, xóm Cao Trãng, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) đã cải thiện được cuộc sống vốn khó khăn và xây dựng cho mình được một nhà vườn như bấy lâu mong muốn.

44 tuổi đời nhưng chị Thuật đã có 25 năm gắn bó với nghề làm cây cảnh. Chị sinh ra tại vùng đất có truyền thống làm nghề cây cảnh Phụng Công (Hưng Yên) nên ngay từ nhỏ, chị đã gắn bó với cây cảnh và tự lúc nào, chị thấy cuộc sống không thể thiếu chúng.

 

 

Năm 1995, chị theo chồng về làm dâu đất Thái Nguyên. Ngay khi về nhà chồng, do gia đình còn khó khăn nên chị Thuật đã tính chuyện tiếp tục nghề trồng cây cảnh trên chính diện tích đất của gia đình. Trên mảnh đất chưa có truyền thống làm nghề cây cảnh nên bước đầu, chị Thuật còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ. Nhưng được sự ủng hộ của chồng, chị Thuật quyết tâm xóa nghèo bằng cái nghề mà bản thân chị gắn bó từ nhỏ. Chị tìm về vùng quê Hưng Yên để lấy giống về ươm. Ban đầu, chị chỉ dám lấy những loại cây có giá trị thấp (cây đường viền, cây trang trí..) để nhân giống hoặc nhiều khi bán trao tay để kiếm lời.

 

Năm 2007, vườn cây cảnh của chị đã có trên 10 loại cây như: si, sanh, cau cảnh, lộc vừng, hoa giấy….với thu nhập trên 70 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Do có kinh nghiệm nên những cây cảnh chị bán được khách rất thích bởi “thế” đẹp. Chị Thuật chia sẻ: Làm cây cảnh khác với các nghề khác, nó đòi hỏi khá nhiều ở con người. Ngoài con mắt thẩm mỹ cần phải có niềm đam mê, nhiệt huyết với cây. Có yêu cây thì mới làm đẹp cho cây được...”.

 

Nói về cách chăm sóc cây cảnh, chị Thuật hào hứng kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật chăm sóc mỗi loại cây, kỹ thuật chiết cây đại thụ, cách nhân giống cây sung cảnh, cách làm cho gốc cây lộ ra, cách tạo ra vết chai, cách chiết cành cây cảnh có đường kính lớn… Anh Đỗ Ngọc Dũng, xã Văn Phúc, huyện Văn Giang (Hưng Yên) là khách hàng thân thiết của chị Thuật cho biết: “Tôi sống ở vùng quê có làng nghề cây cảnh nhưng nhiều khi tôi vẫn phải lên trên này để mua cây vì với nhiều khách hàng, họ đòi hỏi rất cao ở kỹ thuật tạo thế cho cây cảnh mà nhiều người ở làng nghề cũng không làm được…”. Không chỉ có con mắt thẩm mỹ cao, trong nghề trồng cây cảnh, chị Thuật còn là người giữ uy tín với khách hàng, chị sẵn sàng đi đường xa tới nhà khách hàng để tư vấn cách chăm sóc, tỉa lá, bón phân cho cây cảnh… Với những khách hàng chưa có nhiều kiến thức về cây cảnh mà có thú muốn chơi cây, chị hướng dẫn chi tiết, tư vấn cách bài trí khuôn viên hợp lý...

 

Theo thời gian, khách hàng tìm đến mua cây của chị ngày một đông. Ngoài cung ứng cây cảnh trong tỉnh chị còn phân phối tại các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên… Mới đây, chị vừa cung cấp cây cảnh công trình cho Nhà máy Nhiệt điện An Khánh với tổng giá trị gần 400 triệu đồng…Nay, vườn cây cảnh của chị đã có tổng diện tích trên 2ha với gần 20 loại cây với nhiều mức giá trị khác nhau từ vài chục nghìn tới vài trăm triệu, cây có độ tuổi vài năm tới cây vài chục năm tuổi. Những năm gần đây, nghề trồng cây cảnh đã cho gia đình chị thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.

 

Chị Thuật đang có ý định mở rộng thêm diện tích trồng cây cảnh để có thể thu thập thêm được nhiều loại cây cảnh quý. Tuy nhiên, mở rộng diện tích cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải có người cùng làm với chị. Đây là điều khó nhất với chị bởi nó đòi hỏi những người thật tâm huyết, đam mê và thật sự yêu cây.