Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong quý I/2013 nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng khá cao, lên tới 42,3%. Nguyên nhân do trong nhóm có mặt hàng vàng nhập khẩu tăng đột biến, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ.
Theo đó, tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá quý I/2013 ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,1 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm tỷ trọng 55,5% tổng KNNK cả nước.
Cũng theo Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hoá quý I/2013 của nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 15,2% so với cùng kỳ, chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng cần nhập khẩu, là nguyên liệu cho sản xuất.
Những mặt hàng tính được về lượng nhập khẩu tăng cao là hạt điều, dầu thô, phân bón các loại, bông các loại, giấy các loại, kim loại thường, ô tô nguyên chiếc các loại. Bên cạnh đó, có nhiều mặt hàng lượng nhập khẩu giảm như: lúa mỳ, đậu tương, xăng dầu các loại, khí đốt hoá lỏng, phân urê, cao su các loại, phôi thép...
Nhập khẩu vàng đã tăng đột biến
Riêng về nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tăng khá cao, lên tới 42,3%. Nguyên nhân là do trong nhóm có mặt hàng vàng nhập khẩu tăng đột biến, gấp hơn 7 lần so với cùng kỳ. Nếu trừ yếu tố nhập khẩu vàng thì nhập khẩu nhóm này giảm 11% so với cùng kỳ.
Còn đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 9,2% so với cùng kỳ, nhưng trong đó có mặt hàng ô tô, xe máy nhập nguyên chiếc lại giảm mạnh khoảng 29%.
Về xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng cao nhất là 31,8%, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm nhẹ 0,3% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản chỉ tăng nhẹ 1,2%.
Cũng theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ sự đóng góp lớn của khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu không kể dầu thô xuất khẩu khối này tăng 27,1%. Điều này cho thấy doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực, kinh nghiệm và thị trường sẵn có vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu.