Từ nhiều năm nay, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo đã trở thành một phong trào lớn của Hội Nông dân tỉnh. Làm công tác Hội nhiều năm, nên ông Nguyễn Hải Khê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh rất gần gũi, gắn bó với các phong trào nông dân cũng như những hội viên của mình. Khi đặt lên "bàn cân" để chấm điểm, lựa chọn nông dân giỏi cấp Trung ương, các thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng của Hội chẳng mấy đắn đo.
8 hội viên nông dân tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi trong nhiệm kỳ 2008-2013. Tuy mỗi người ở một làng xã khác nhau, nhưng họ có điểm chung ở đức tính cần kiệm, dám nghĩ, dám làm để khi trở thành triệu phú thôn quê, họ hăng hái, tích cực giúp đỡ bà con trong vùng kinh nghiệm xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Phương, tổ 1, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) tâm sự: Ngày vợ chồng mới ra ở riêng (1986), nghèo lắm, vốn liếng chẳng có gì ngoài đôi bàn tay… Ông dừng lời, đôi mắt xa xăm ngước trông ra vườn đào trước nhà. Tôi hình dung về cái thời lận đận của vợ chồng ông, tần tảo lật cày khu đất 7.500 m2 lấy lúa, khoai đủ nuôi sống gia đình 3 người. Năm 1994, ông mạnh dạn dành một phần đất đất trồng đào, rồi trồng luôn cả một khu vườn rộng. Mỗi độ xuân về, người tứ xứ đến nhà mua đào về chơi. Từ 5 năm trở lại đây, mỗi năm ông Phương thu được 250 triệu đồng từ trồng đào. Ngoài ra, ông Phương còn có các sản phẩm từ chăn nuôi và các loại cây lương thực, hoa màu, đạt tổng thu hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Với nông dân Trần Văn Hiền, xóm Trại, xã Tân Hương (Phổ Yên) lại chọn hướng làm giàu từ chăn nuôi lợn và cá. Trên diện tích đất rộng 16.600 m2, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, đào ao thả cá và tận dụng các khu đất bờ, bãi để trồng cây ăn quả. Trong 3 năm gần đây, trừ các khoản chi phí đầu tư, ông đạt thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm.
Cùng ở huyện Phổ Yên, ông Trần Văn Mến, xóm Giỏ, xã Đông Cao và ông Nguyễn Viết Thế đã đầu tư làm giàu từ chăn nuôi, đồng thời mở dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi cho nông dân trong vùng. Tính từ năm 2011 đến nay, trừ chi phí, gia đình ông Mến đạt thu nhập hơn 814 triệu đồng; gia đình ông Thế đạt thu nhập 732 triệu đồng/năm.
Một khoản tiền không nhỏ được làm nên bởi những nông dân chân đất. Tôi mang ý nghĩ đó khi tiếp tục "cuộc hành trình" ngược đường lên huyện Đại Từ, đến thăm các gia đình hội viên nông dân: Bàng Văn Quế, xóm Vân Long (Hùng Sơn); Đỗ Thị Thuý, xóm 4 xã Hùng Sơn và gia đình hội viên Nguyễn Thị Thanh Phong, xóm Ninh Giang, xã Bản Ngoại. Mỗi người một cách làm, tùy theo điều kiện và đất đai của gia đình. Mỗi năm gia đình ông Quế đạt thu nhập hơn 400 triệu đồng từ trồng chè, trồng rừng và trồng cây cảnh… Gia đình bà Phong từ mô hình trang trại chăn nuôi rộng hơn 1.000m2 và trồng 2.000m2 cây ăn quả… có thu nhập 572 triệu đồng/năm. Gia đình bà Thuý, trên diện tích đất gần 10.000m2, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn, gà với quy mô nuôi thường xuyên 100 lợn nái, 1.400 lợn thịt và 3.000 gà đẻ trứng. Năm 2011, trang trại của gia đình thu gần 1,7 tỷ đồng; năm 2012, là 442 triệu đồng.
Hội viên nông dân Trần Thế Hùng, xóm Nam Hương 2, xã Thanh Ninh (Phú Bình) tự tin, mạnh dạn bỏ vốn làm ăn. Trên diện tích đất hơn 2.000m2, ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và trồng cây công nghiệp. Hằng ngày, vợ chồng ông tranh thủ đi về các xóm mua gạo, ngô về xay xát. Cần cù, chịu khó, trong 2 năm 2011 và 2012, gia đình ông đạt thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Mỗi người một cách làm giàu nhưng tựu chung lại, họ luôn nỗ lực vươn lên trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần làm giàu thêm cho quê hương Thái Nguyên.
Hiện toàn tỉnh có 25.720 mô hình sản xuất tổng hợp; 9.820 mô hình chăn nuôi; 5.260 mô hình trồng trọt; 2.645 mô hình dịch vụ và 720 mô hình thuỷ sản. Trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã có 56.892 lượt hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi cấp xã; 26.580 lượt hộ đạt giỏi cấp huyện và 14.322 lượt hộ đạt tiêu chuẩn giỏi cấp tỉnh.
|