Vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản đóng băng thì ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) vốn là thế mạnh của tỉnh cũng bị trầm lắng theo. Năm 2012, cơ bản các chỉ số sản xuất của từng sản phẩm VLXD đều thụt giảm so với năm trước và so với kế hoạch đề ra. Vậy, liệu năm 2013 này, ngành sản xuất VLXD của tỉnh có lấy lại được ưu thế?
Hãy thử làm phép so sánh đôi chút về tỷ trọng của ngành VLXD trong toàn ngành Công nghiệp của tỉnh để thấy được chỗ đứng quan trọng của ngành này. Cách nay khoảng 10 năm thì giá trị sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất VLXD chỉ đạt khoảng 200 tỷ đồng, nhưng đến nay đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Nếu xét về cơ cấu cả ngành Công nghiệp thì công nghiệp sản xuất VLXD chiếm tỷ lệ khá cao. Trong 10 nhóm ngành công nghiệp thì sản xuất VLXD chỉ đứng sau công nghiệp sản xuất kim loại (trên 34%), công nghiệp cơ khí và gia công kim loại (trên 18%). Điều đó cho thấy, nếu ngành sản xuất VLXD tụt giảm thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến tình hình chung của cả ngành Công nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.800 cơ sở sản xuất VLXD và khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, chiếm khoảng 16% tổng số các cơ sở sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Trong đó, phải kể đến một số cơ sở sản xuất lớn như: Nhà máy Xi măng Quang Sơn, công suất 1,5 triệu tấn/năm; các nhà máy xi măng: La Hiên, Quan Triều, Cao Ngạn, Núi Voi, Lưu Xá cũng có công suất hàng triệu tấn/năm; Nhà máy sản xuất gạch Ceramic Phổ Yên, công suất 12 triệu m2/năm; Nhà máy gạch ốp lát Việt - Ý, công suất 2 triệu m2/năm… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục đơn vị sản xuất gạch tuynel, tấm lợp amiăng, kết cấu bê tông có công suất lớn. Cùng với đó là hàng trăm cơ sở khai thác cát, sỏi, đá xây dựng, sản xuất gạch nung, không nung, đá ốp lát, gốm sứ, sản xuất bê tông tươi, cột lbê tông ly tâm. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, hoạt động sản xuất VLXD của các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng.
Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất công nghiệp là một trong những doanh nghiệp có bề dày truyền thống và thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh. Trước đây, mỗi năm, đơn vị này đạt doanh thu từ 300 đến 400 tỷ đồng với các sản phẩm chính là: tấm lợp ximăng trên 10 triệu m2; xi măng poóclăng trên 100 nghìn tấn; gạch ceramic khoảng 350 nghìn m2; bê tông đúc sẵn trên 10 nghìn m3. Nhưng năm 2011 và 2012, đơn vị này đã phải cắt giảm từ 5 đến 10% sản lượng vì sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Mặc dù vậy, thời điểm này, Công ty vẫn đang triển khai và dần hoàn thiện 6 dự án đầu tư mới nhằm tăng công suất sản xuất các mặt hàng VLXD, kỳ vọng thị trường sẽ sớm khởi sắc.
Cũng là đơn vị sản xuất VLXD có uy tín nhiều năm nay, Công ty cổ phần Xi măng Cao Ngạn đang sản xuất và tiêu thụ sản lượng lớn các sản phẩm xi măng, bột xây dựng và gạch silicat. Tuy nhiên, năm 2012 vừa qua, Công ty này đã giảm sản lượng sản xuất và tiêu thụ trên thị trường khoảng 15%. Bởi vậy, thu nhập bình quân người lao động trong Công ty năm qua chỉ đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Là đơn vị thích ứng nhanh với thị trường thông qua các sản phẩm đặc trưng, mấy năm gần đây, Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên đã vượt qua khó khăn để trụ vững sau một thời gian đứng bên bờ vực phá sản. Sản phẩm chính của Công ty là các loại cột điện bê tông ly tâm, ống cống và bê tông tươi. Vào thời điểm phát triển ổn định, Công ty luôn đạt giá trị sản xuất khoảng 40 tỷ đồng, với tổng khối lượng các loại sản phẩm quy đổi khoảng 40 nghìn m3. Trong đó, cột điện bê tông ly tâm khoảng 10 nghìn cột, ống cống trên 3 nghìn cái và khoảng 30 nghìn m3 bê tông tươi. Tuy nhiên, năm 2012, giá trị sản xuất của Công ty đã giảm khoảng 10% so với thời điểm cao nhất. Theo ông Dương Đình Tập, Tổng Giám đốc Công ty thì năm nay, lĩnh vực sản xuất VLXD vẫn sẽ tiếp tục có khó khăn, nhưng doanh nghiệp vẫn kỳ vọng khả năng sẽ có chuyển biến tốt hơn năm trước.
Năm 2012, ngành sản xuất VLXD của tỉnh chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của các sản phẩm mũi nhọn như gạch xây dựng, xi măng, tấm lợp và sắt thép. Cả năm, toàn tỉnh sản xuất được 163 triệu viên gạch, chỉ đạt 54,3% so với kế hoạch năm và bằng 82,1% năm 2011; sắt thép các loại cũng chỉ đạt 755 nghìn tấn, bằng 75,5% kế hoạch năm và bằng 91,7% năm trước. Sản phẩm xi măng, tấm lợp cũng chỉ đạt được kế hoạch đề ra với sản lượng lần lượt là 2,5 triệu tấn và 17 triệu m2. Qua 3 tháng đầu năm 2013, các sản phẩm VLXD của tỉnh cũng vẫn đạt khá thấp và đều kém hơn từ 5 đến 10% so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo của các nhà chuyên môn thì nhu cầu về các loại VLXD của Thái Nguyên và của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc vẫn ngày một cao, nhưng thực tế thời điểm này, khi cánh cửa thị trường bất động sản vẫn chưa thể mở rộng, đầu tư công vẫn trong giai đoạn thắt chặt, hoạt động tài chính, tín dụng còn khó khăn thì ngành sản xuất VLXD chắc chắn khó khởi sắc. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, nhiều khả năng thị trường tiêu thụ các mặt hàng VLXD sẽ sớm được "hâm nóng" trở lại, ít nhất là vào thời điểm cuối năm 2013 này. Bởi vậy, ngay từ lúc này, các đơn vị sản xuất VLXD cũng không nên quá lo lắng mà hãy chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi thị trường này mở ra.