Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định, từ nay đến năm 2014 sẽ cố phần hóa, bán 25% vốn tại các cảng biển cấp 1 vốn lâu nay do Nhà nước sở hữu độc quyền như Cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn...
Đây được xem là giải pháp mạnh nhằm đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư vào phát triển hệ thống cảng biển, qua đó giảm bớt đầu tư của nhà nước để dành vốn cho các lĩnh vực thiết yếu hơn. Và đặc biệt, điều này cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, qua đó hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu ngành Hàng hải, bù đắp các khó khăn cho lĩnh vực vận tải biển hiện nay.
Hơn mười năm trước, do liên tục làm ăn thua lỗ từ 2-3 tỷ đồng mỗi năm mà cảng Đoạn Xá (Hải Phòng) đã phải tiến hành cổ phần hóa, nhưng chỉ một năm sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đã liên tục có lãi, chia cổ tức bình quân trên 35%/năm. Trong năm 2012 vừa qua, doanh nghiệp chỉ có một cầu cảng này lãi trên 103 tỷ đồng, chia cổ tức tới 70%. Kết quả này có được là nhờ mô hình quản lý của doanh nghiệp (DN) cổ phần phù hợp với thực tiễn kinh doanh cảng biển.
Lãnh đạo Cảng Đoạn Xá giải thích cho thực tế hoạt động còn chưa hiệu quả của mình là do đang phải thực hiện một số công việc mà các cảng khác không làm vì phí thu được rất thấp như bốc dỡ hàng dời, hàng lương thực... đó là chưa kể cảng này hiện phải đảm bảo việc làm cho gần 4.000 lao động chính thức và hàng nghìn lao động theo mùa vụ. Tuy nhiên, lãnh đạo Cảng Hải Phòng cũng thừa nhận, việc cổ phần hóa, bán một phần vốn nhà nước tại DN đi đôi với việc đổi mới mô hình quản lý, điều hành sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và lợi nhuận cho DN.
Ông Bùi Chiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho biết: “Theo kế hoạch, trong hai năm tới sẽ có gần chục cảng cấp 1 và các đơn vị khác của Tổng công ty Hàng hải tiến hành cổ phần hóa. Điều này cũng có nghĩa nhiều nghìn tỷ đồng vốn nhà nước sẽ được đưa ra công chúng đầu tư. Trong bối cảnh hiện nay, để hấp thụ hết nguồn vốn này là điều không hề dễ.
Mặc dù vậy, tiến trình cổ phần hóa các cảng biển lớn vẫn còn rất nhiều việc phải làm như định giá tài sản doanh nghiệp, quyết toán các dự án sử dụng vốn ODA, giải quyết lao động dôi dư... Đây là những việc khó khăn, phức tạp nhưng thời gian lại không còn nhiều, nhất là trong bối cảnh ngành Hàng hải đang kỳ vọng, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của khối cảng biển sẽ mang lại nguồn vốn, lợi nhuận để hỗ trợ phần nào cho ngành vận tải biển vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay do lượng hàng và cước phí vận chuyển bị giảm mạnh.