Trong khi cả nước đang tập trung cho mục tiêu xây dựng Nông thôn mới thì chuyện người nông dân đối ứng làm đường giao thông nông thôn giờ đây không có gì là lạ. Nhưng mỗi hộ gia đình sẵn sàng đóng góp tới 6, 7 triệu đồng, thậm chí lên tới là 50 đến 60 triệu đồng tiền mặt như ở cụm dân cư Đầu Trâu, xóm Liên Hồng 8, xã Vô Tranh (Phú Lương) thì không nhiều nơi làm được.
Con đường bê tông dài gần 540m, rộng 2m chạy qua cụm dân cư Đầu Trâu làm thay đổi căn bản diện mạo của xóm. Trưởng xóm Phạm Văn Đông không giấu nổi vui mừng: "Không phải nói văn hoa đâu nhưng quả thật đây là con đường của lòng dân đấy. Bà con phải quyết tâm cao lắm thì hôm nay mới có con đường này, bởi đóng góp có phải ít tiền đâu, hộ ít nhất cũng 5 đến 6 triệu đồng, hộ nhiều thì đóng đến 60 triệu đồng. Nhưng vì chủ trương ở trên hợp với nguyện vọng của người dân nên bà con tự giác và rất tích cực tham gia".
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóm Liên Hồng 8 được hỗ trợ xây dựng 1 tuyến đường bê tông. Sau khi họp các cụm dân cư trong xóm, tuyến đường vào cụm Đầu Trâu được lựa chọn làm trước. Con đường được Nhà nước hỗ trợ 65%, người dân đối ứng 35% (trị giá 175 triệu đồng). Tuy nhiên, vì chỉ có 7 hộ gia đình với 31 nhân khẩu sống trên tuyến đường này nên số tiền mà mỗi hộ phải đóng là khá lớn. Sau khi họp bàn và thống nhất, một ban giám sát việc làm đường được thành lập. Các hộ dân thống nhất đóng góp theo vị trí gia đình mình ở. Những hộ gia đình càng ở phía sâu cuối con đường thì phải đóng góp nhiều hơn.
Chị Nguyễn Thị Nhuần ở cụm Đầu Trâu, xóm Liên Hồng 8, cho biết: "Nhà tôi có 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ, tính ra mỗi nhân khẩu phải nộp 1,5 triệu đồng làm đường, cả gia đình nộp 6 triệu đồng. Đây số tiền lớn với vợ chồng tôi, nhưng nghĩ cứ đi mãi đường đất nhỏ hẹp vất vả quá. Hơn nữa mức đóng của nhà mình có thấm gì so với nhà phải đóng góp tới 50, 60 triệu đồng, mình không thể để chỉ vì nhà mình mà ảnh hưởng đến mọi người được. Thế nên vợ chồng tôi quyết tâm đóng góp. Chưa có, tôi đã đi vay tạm của anh em, bạn bè, đợi hái lứa chè sau nữa cũng sẽ trả nợ xong".
Hộ đóng góp nhiều mà chị Nhuần nhắc đến là gia đình ông Đào Văn Lân. Gia đình ông Lân ở điểm cuối cùng của nhánh đường nên phải đóng ở mức cao nhất. Nhà có 8 nhân khẩu, tổng cộng số tiền mà gia đình ông phải đóng góp làm đường lên tới trên 60 triệu đồng. Ông bảo: "Số tiền lớn như vậy, cũng đắn đo nhiều lắm. Nhưng rồi nghĩ nếu không cố làm khi có sự hỗ trợ của Nhà nước thì biết đến bao giờ mới có con đường hẳn hoi, sạch sẽ để đi. Không những đời mình được hưởng mà còn để lại cho con cháu sau này nữa". Cạnh nhà ông Lân, gia đình ông Lê Văn Trịnh cũng có 6 nhân khẩu, số tiền gia đình ông đóng góp là gần 50 triệu đồng. Ông chia sẻ: "Bỏ ra một lúc khoản tiền đó là rất lớn, chúng tôi phải dành dụm bao năm mới có được, nhưng tính những lợi ích khi có đường bê tông mang lại thì thấy số tiền đó cũng thỏa đáng lắm".
Trưởng xóm Phạm Văn Đông cho biết thêm: Ngoài số tiền đóng góp của 7 hộ gia đình nằm trên nhánh đường này ra, một số hộ có đất canh tác ở khu vực Đầu Trâu cũng sẵn sàng ủng hộ việc làm đường. Người ủng hộ đôi ba triệu, người ủng hộ đất để mở rộng mặt đường. Cụ thể, các hộ đã hiến được trên 300m2 đất vườn, đồi, trong đó gia đình ông Vũ Tiến Ngọc hiến trên 100m2, gia đình ông Nguyễn Văn Minh hiến gần 60m2...
Anh Trần Văn Bình, người cùng xóm tự nguyện ủng hộ vào tuyến đường 2,5 triệu đồng, chia sẻ: Tuy tôi không có nhà nằm trên trục đường mới làm này nhưng hàng ngày đi làm bãi, làm đồi vẫn phải đi qua con đường này nên thấy mình phải có trách nhiệm chung tay xây dựng tuyến đường cùng bà con".
Con đường chính thức được đưa vào sử dụng tháng 12/2012 sau gần 20 ngày thi công, thay thế cho con đường đất nhỏ, hẹp lau lách rậm rạp trước kia là kết quả của sự đồng lòng và quyết tâm cao của cán bộ và người dân trong thôn, đặc biệt là các hộ gia đình ở khu dân cư Đầu Trâu. Có thể nói đây là những nhân tố tiêu biểu góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới Vô Tranh nói riêng, huyện Phú Lương nói chung.