Thứ 7, 11/01/2025, 02:33

Hiệu quả mô hình phát triển kinh tế trang trại ở Phổ Yên

09:17, 02/05/2013

Những năm qua, một số hộ dân trên địa bàn huyện Phổ Yên đã mạnh dạn phát huy tính tự chủ, năng động trong phát triển kinh tế trang trại, nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn đất, áp dụng khoa học kỹ thuật để từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa có giá trị cao, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Hà Văn Gấm, ở xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến, chúng tôi thấy rất sạch sẽ, thoáng mát. Anh Gấm cho biết: Ngay khi bắt tay vào xây chuồng, tôi đã thiết kế sao cho mát về mùa hè và ấm về mùa đông, có như vậy, đàn lợn mới khỏe mạnh, nhanh lớn. Vì thế, tôi đã lợp mái tôn chống nóng, bên trên còn lắp hệ thống máy phun nước để làm mát, mỗi ô bên trong chuồng đều có quạt trần. Tôi thuê 5 công nhân làm việc với mức thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng; trong đó, có 1 công nhân có bằng trung cấp, chịu trách nhiệm về kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh. Hằng tuần, trang trại đều được phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Chất thải được thu gọn và xử lý trước khi đưa ra môi trường. Với diện tích trang trại rộng gần 1ha, hiện nay, anh Gấm nuôi 30 con lợn nái ngoại và 250 lợn thịt. Lứa lợn vừa rồi, gia đình anh mới xuất bán được 120 con với giá bán 42 nghìn đồng/kg, thu về hơn 500 triệu đồng.

 

Năm 2004, gia đình ông Nguyễn Xuân Tình, ở xóm Hiệp Đồng, xã Hồng Tiến bắt đầu tận dụng diện tích vườn nhà để chăn nuôi gà. Ông Tình cho biết: Ban đầu, tôi chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận thu các phụ phẩm của gia đình nên không chú tâm đầu tư xây dựng chuồng trại, tiêm phòng... vì thế, hiệu quả kinh tế không cao, tốn công chăm sóc. Nhận thấy cần thay đổi cách làm, năm 2011, từ nguồn vốn tích luỹ và vay mượn thêm anh em, bạn bè, tôi đã xây dựng trang trại với diện tích 800m2. Từ chỗ chỉ nuôi 300-400 con/lứa, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi 2.000 con gà đẻ trứng/lứa. Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, toàn bộ gia cầm trong chuồng đều được ông Tình tiêm phòng định kỳ. Ngoài ra, ông còn dùng men vi sinh để vãi nền chuồng nhằm khử mùi và phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần. Hệ thống máng đựng thức ăn, nước uống cũng được quay tự động. Đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu được 1.000 quả trứng với giá bán trung bình 4 nghìn đồng/quả. Hiện, tổng doanh thu từ trang trại của ông Tình đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi đạt khoảng 300-400 triệu đồng/năm.

 

Hiện trên địa bàn huyện Phổ Yên có 84 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Trong đó, có 30 trang trại chăn nuôi lợn thịt, 21 trang trại chăn nuôi gà, 16 trang trại nuôi lợn nái ngoại, 10 trang trại tổng hợp với tổng đàn lợn là 38.700 con, tổng đàn gia cầm là 126.000 con và 8 trang trại chăn nuôi trâu sinh sản. Hầu hết các trang trại đều tuân thủ tốt các khâu như tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, phun thuốc khử trùng định kỳ và có xây hầm Bioga để xử lý chất thải. Tổng doanh thu của các trang trại năm 2012 đạt trên 100 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2011. Mỗi trang trại cho thu lãi ít nhất từ 100 triệu đồng trở lên/năm, có trang trại lãi trên 1 tỷ đồng/năm. Ông Ngô Thành Đê, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển trang trại, huyện Phổ Yên đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính, hướng đầu tư, tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ xây dựng hầm bioga, hệ thống tiêu nước thải và xử lý môi trường... Năm 2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ cho 5 trang trại trên địa bàn ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi với nguồn kinh phí gần 120 triệu đồng. Cùng với đó, huyện cũng đã tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú ý tại các chợ trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức 10 lớp tập huấn về chăn nuôi thú y cho hơn 500 lượt người tham gia. Từ đó, nhận thức của nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi. Nhiều hộ từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán tập trung làm kinh tế trang trại, đầu tư lớn, có cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, thú y và tuân thủ nghiêm các quy trình về phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, các trang trại đã có mối liên hệ với nhau trong việc cung ứng con giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và giới thiệu thị trường tiêu thụ.

 

Năm nay, các trang trại trên địa bàn huyện Phổ Yên đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm đầu ra rẻ trong khi giá thức ăn tăng cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế trang trại bằng việc quy hoạch khu giết mổ tập trung tại xóm Bến, xã Đắc Sơn; tạo điều kiện thuận lợi cho người làm trang trại được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng; phối hợp với các ngành, các cấp tổ chức tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi. Cùng với đó là triển khai xây dựng, phát triển các trang trại mới như: Chăn nuôi thủy sản tại các xã: Thành Công, Tân Hương, Tân Phú, Hồng Tiến, chăn nuôi ba ba tại xã Hồng Tiến, nuôi ếch tại xã Nam Tiến, nuôi cá giống tại xã Tân Hương, Đồng Tiến....