Cách đây 62 năm, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; ngày 1/6/1951, Chi nhánh Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên được thành lập - đây là một trong những chi nhánh Ngân hàng cấp tỉnh đầu tiên ra đời giữa lòng căn cứ địa cách mạng chiến khu Việt Bắc. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và NHNN Việt Nam, Ngân hàng tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Đặc biệt từ năm 1986, hệ thống ngân hàng được đổi mới, quản lý dưới hình thức tập trung: vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng cấp tín dụng. Đến năm 1988, hệ thống Ngân hàng chính thức được tách thành ngân hàng 2 cấp: Ngân hàng Trung ương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước; các ngân hàng thương mại thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ - tín dụng. Cùng với đó, các chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng luôn được đổi mới, hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Kể từ khi tách ngân hàng 2 cấp, hoạt động của hệ thống ngân hàng tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: giai đoạn 1991-2000, nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng bình quân đạt 35,84%/năm, dư nợ tín dụng cho vay đối với nền kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 44,86%/năm. Giai đoạn 2001-2010, các chỉ tiêu tăng trưởng trong hoạt động ngân hàng luôn đạt ở mức cao, ổn định: nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trưởng bình quân đạt 25,69%/năm, dư nợ tín dụng cho vay đối với nền kinh tế tăng trưởng bình quân đạt 35,11%/năm. Tính chung thời kỳ hơn 20 năm đổi mới 1991-2010, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động bình quân tại địa phương đạt 30,77%/năm, tốc độ tăng trưởng dự nợ bình quân tại địa phương đạt 39,99%/năm. Trong 2 năm (2011-2012), tổng nguồn vốn huy động tăng từ 12.826 tỷ đồng lên 16.394 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 25%. Dư nợ cho vay năm 2011 đạt 24.087 tỷ đồng, đến năm 2012 tăng lên 27.191 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân 13%. Chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 thường xuyên ở mức dưới 2%/năm, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của toàn quốc. Chính sách cho vay tiếp cận với nhiều thành phần kinh tế và ưu tiên các dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn. Với mong muốn xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm tài chính, ngân hàng lớn nhất của khu vực trung du miền núi phía Bắc và khu vực Đông Bắc bộ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã không ngừng mở rộng mạng lưới, phát huy thế mạnh về huy động vốn nhằm cung cấp vốn tín dụng cho phát triển KT-XH và góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2013, kinh tế được dự báo với nhiều khó khăn, thách thức, song đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (1.500 người) ngành Ngân hàng đã không ngừng phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Tính đến 31/3/2013: Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 18.003 tỷ đồng; dư nợ tín dụng cho vay phát triển KT-XH tại địa phương đạt 27.342 tỷ đồng. Mạng lưới và quy mô của hệ thống ngân hàng được phát triển rộng khắp với 16 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên, 2 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở; 10 chi nhánh trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên; 84 phòng trực thuộc các chi nhánh Ngân hàng có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên; 9 quỹ trực thuộc các chi nhánh ngân hàng có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên; 115 máy ATM và 159 máy POS được kết nối liên thông với nhau đã đáp ứng các nhu cầu vốn và các dịch vụ cho khách hàng. Trước yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Ngân hàng tỉnh không ngừng đổi mới và phát triển; tích cực chủ động trong công tác chuyên môn để tiếp cận với các dự án phát triển KT-XH của tỉnh; mở rộng cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng, chấp hành tốt chế độ quản lý ngoại hối. Các ngân hàng đã xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đảm bảo quản trị rủi ro tốt, đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng, kiểm tra kiểm soát nội bộ; không ngừng cải tiến tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; coi sự thành đạt của khách hàng là mục tiêu của mình, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đảm bảo hoạt động tín dụng “an toàn - hiệu quả - phát triển và hội nhập”. Trong 62 năm qua, đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành liên quan.
Trong thời gian tới, NHNNVN, Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên tiếp tục bám sát chỉ đạo điều hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và NHNNVN; cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho các thành phần kinh tế, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và xây dựng hệ thống ngân hàng ngày càng lớn mạnh.