Giải pháp đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn

08:24, 23/07/2013

Mặc dù năm 2013, việc bố trí vốn chủ yếu ưu tiên dành cho trả nợ khối lượng các dự án hoàn thành, song, đến hết tháng 6/2013, vẫn còn 528 dự án/ tổng số 1.539 dự án chủ đầu tư chưa giao dịch thanh toán qua Kho bạc nhà nước (KBNN) với tổng số vốn 269.882 triệu đồng.

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tổng nguồn vốn năm 2013 của toàn tỉnh trên 2 tỷ 048 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.381 tỷ 566 triệu đồng; nguồn vốn chương trình mục tiêu 333 tỷ 566 triệu đồng; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 332 tỷ 933 triệu đồng.

 

 

 

Chị Nguyễn Thị Bảo Hường, Trưởng phòng Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên cho biết: So với mọi năm, các nguồn vốn đầu tư năm 2013 được giao sớm ngay từ đầu năm. Đây là điều kiện thuận lợi giúp các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách. Chính vì vậy, số vốn giải ngân qua KBNN trong 6 tháng đầu năm đã được cải thiện so với những năm trước (bằng 52% kế hoạch năm, tăng 15%  so với cùng kỳ). Thái Nguyên được Bộ Tài chính đánh giá là một trong 14 tỉnh giải ngân cao nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

 

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2013 (chiếm 34% trên tổng số dự án), chủ đầu tư vẫn chưa có giao dịch thanh toán qua KBNN. Lý do giải ngân chậm chủ yếu là, một số dự án khởi công mới, chủ đầu tư vẫn đang trong thời gian làm thủ tục hoặc hoàn thiện hồ sơ thanh toán, hoặc đang chờ phê duyệt quyết toán; một số dự án khởi công mới ở các xã phân khai chi tiết chậm nên chưa triển khai được; có dự án đợi làm thủ tục thay đổi chủ tài khoản; có một số dự án ở thị xã Sông Công và thành phố Thái Nguyên được bố trí từ nguồn vốn từ thu cấp quyền sử dụng đất song do chưa thu được tiền nên chưa có kinh phí để thanh toán.                                                   

Qua trao đổi với anh Nguyễn Đức Lượng, Trưởng Ban Quản lý các Dự án đầu tư và xây dựng thành phố Thái Nguyên, được biết, năm 2013, Ban được giao quản lý 58 dự án với tổng nguồn vốn 33  tỷ 867 triệu đồng, đến tháng hết tháng 6/2013, mới thanh toán được trên 11 tỷ 453 triệu đồng. Nguồn vốn thanh toán đều phải “đợi” từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2013, thành phố mới thu đạt trên 30% kế hoạch năm, nên không đáp ứng nhu cầu chi theo kế hoạch vốn. Nguyên nhân cơ bản vẫn là do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa triển khai thi công, đấu giá thu tiền sử dụng đất được (ví dụ như khu dân cư hồ điều hòa Xương Rồng; các khu dân cư số 3,4,5 phường Đồng Quang..; một số dự án được phê duyệt quyết toán sau thời điểm thông qua HĐND nên phải bố trí vào kế hoạch vốn năm 2014). Bên cạnh đó, việc phân khai chi tiết kế hoạch một số nguồn vốn khác như: vốn kiên cố hóa kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chương trình phòng, chống ma túy triển khai chậm. Đây không phải là tình trạng riêng của T.P Thái Nguyên mà mà là tình trạng chung của nhiều huyện. Ví dụ như: đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) (mới đạt 38%), riêng nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo đến cuối tháng 6/2013 một số huyện mới triển khai, trong đó: huyện Định Hóa 82 dự án, ngày 27/6 mới nhận được quyết định phân khai chi tiết kế hoạch vốn; huyện Phú Lương 12 dự án, ngày 30/6, mới phân khai chi tiết; huyện Phú Bình, ngày 28/6 mới phân khai chi tiết; huyện Võ Nhai 14 dự án, đầu tháng 6 mới phân khai chi tiết. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gồm 55 dự dự án với tổng số vốn 11 tỷ 174 triệu đồng được giao về các xã để phân khai (nguồn vốn này chủ yếu hỗ trợ bằng xi măng, đến cuối năm mới ghi thu ngân sách xã và ghi chi chủ yếu cho dự án làm đường bê tông).

 

 Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp những vướng mắc riêng. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng, Đại Từ cho biết: Xã được phân bổ vốn thực hiện Chương trình XDNTM từ tháng 5/2013 với nguồn vốn 1 tỷ 071 triệu đồng, kế hoạch để đầu tư sửa chữa trường tiểu học, mầm non; xây dựng kênh mương và trả nợ công trình khu trung tâm văn hóa thể thao xã. Tuy nhiên, do nguồn vốn bằng xi măng chỉ hỗ trợ cho các xã làm đường giao thông, trong khi đó đường giao thông của xã đã đạt trên 90%. Mong muốn của xã là được hỗ trợ nguồn vốn bằng xi măng để kiên cố hóa kênh mương nhằm đáp ứng tiêu chí về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Vì trong tổng số 10 km kênh mương của xã mới có 4 km được kiên cố hóa; xã cần làm thêm 3 km kênh mương nữa mới đạt tiêu chí trên 50% tổng số kênh mương được kiên cố hóa. Song, do không được hỗ trợ nguồn vốn bằng xi măng, để có kinh phí làm 3 km kênh mương trên, ngoài một phần kế hoạch vốn năm 2013, người dân phải đối ứng  kinh phí khá cao (khoảng 600 đến 700 triệu đồng). Từ đó, xã phải họp bàn với dân để thống nhất cao mới triển khai thực hiện được. Vì thế, các công trình trong kế hoạch đang ở khâu thiết kế, hoặc trình thẩm định phê duyệt thiết kế.

 

Trao đổi với một số chủ đầu tư chúng tôi được biết, thời gian qua, việc thanh toán vốn không hề bị vướng mắc về thủ tục. Hơn nữa, trong tình trạng khó khăn chung, các doanh nghiệp đang rất cần vốn nên đã có ý thức đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm được thanh toán vốn nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp có hiệu quả. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đối với các dự án bố trí vốn từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng để thi công, đấu giá thu tiền sử dụng đất. Đối với các dự án thuộc Chương trình XDNTM, các huyện cần chỉ đạo các xã nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng thanh toán. Những dự án khác, các chủ đầu tư cần tăng cường đôn đốc các nhà thầu nhanh chóng hoàn thành thủ tục thanh, quyết toán các công trình. Bên cạnh đó, cần rà soát những nhà thầu không đủ năng lực và có giải pháp thay thế, không để ảnh hưởng đến việc thi công, thanh toán vốn đầu tư... Thông lệ, các dự án đều tập trung giải ngân vào những tháng cuối năm, song không vì thế mà các chủ đầu tư chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của tỉnh và gây áp lực cho cơ quan thanh toán vốn.