Khơi thông dòng vốn đầu tư FDI

11:48, 19/07/2013

Năm 2013 là năm đánh dấu sự nổi trội trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của tỉnh sau 20 năm kể từ khi đón nhận dự án FDI đầu tiên. Nhiều người cho rằng, nhờ thu hút được Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung thì vốn FDI của Thái Nguyên mới vượt trội như vậy. Điều đó hoàn toàn chính xác, nhưng vấn đề quan trọng là không phải ngẫu nhiên chúng ta có thể thu hút được dự án FDI có số vốn khổng lồ như Samsung mà đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh ta tính đến thời điểm này là trên 3 tỷ USD, trong đó vốn của các dự án (32 dự án) chính thức còn hiệu lực là trên 2,2 tỷ USD. Như vậy, triển vọng đẩy mạnh làn sóng đầu tư nước ngoài vào Thái Nguyên là hoàn toàn khả quan. Hiện tại đã có 7 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh ta, gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Đức và Nhật Bản. Trong đó, nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số lượng lẫn tổng vốn đăng ký đầu tư.

 

 

 

Dấu ấn sau 20 năm thu hút vốn FDI

 

Năm 1992, dự án FDI đầu tiên chính thức có mặt tại Thái Nguyên với số vốn đăng ký ít ỏi chưa nổi 1 triệu USD. Gần 20 năm sau, toàn tỉnh đã thu hút thêm được khoảng 30 dự án với tổng vốn cũng chưa đầy 150 triệu USD. Sự bế tắc trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài dường như là một rào cản lớn đối với tỉnh trong cả giai đoạn đó. Vậy nhưng, bắt đầu từ năm 2012 đến nay, dòng vốn FDI đổ vào tỉnh đã được khơi thông. Sự khơi thông đó được đánh dấu bằng việc Tập đoàn Samsung chính thức hiện diện trên đất Thái Nguyên với những dự án đầu tư quy mô lớn. Riêng Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình (Phổ Yên) đã có vốn đầu tư 2 tỷ USD, chưa kể các dự án phụ trợ khác cho Samsung cũng đang tiến hành các thủ tục đầu tư như: Kho hàng không kéo dài đầu tư 15 triệu USD; Nhà máy sản xuất lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp đầu tư 1,2 tỷ USD và một số dự án khác có vốn đầu tư 60 triệu USD. Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam nhận xét: Đến Thái Nguyên chúng tôi khá hài lòng cả về tiến độ bàn giao mặt bằng, các cam kết về cơ chế, chính sách ưu đãi lẫn tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính và kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh.

 

Ngoài Samsung, một số doanh nghiệp vốn FDI đã đầu tư vào tỉnh nhiều năm nay cũng chính thức tăng vốn dự án, điển hình là Công ty TNHH Mani Hà Nội đã tăng vốn dự án từ 32,8 triệu USD lên 48,8 triệu USD. Theo ông Yasuo Ando, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mani Hà Nội thì trên cơ sở phân tích những thuận lợi của địa phương mà doanh nghiệp quyết định tăng thêm vốn đầu tư. Chúng tôi nhận thấy, thời gian gần đây, môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện rất nhiều, chất lượng lao động cũng dần được nâng lên, nhiều cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện.

 

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

 

Để có được kết quả đáng mừng này phải ghi nhận những nỗ lực, cố gắng rất nhiều của không chỉ một tổ chức, cá nhân, một lĩnh vực cụ thể nào mà là của cả hệ thống chính trị với nhiều lĩnh vực khác nhau. Về lĩnh vực quy hoạch, tỉnh đã làm việc với các đơn vị tư vấn uy tín nước ngoài lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư quy mô lớn nhằm nâng tầm đô thị, thúc đẩy mời gọi đầu tư vào địa phương. Hiện tại, tỉnh đã có 4 quy hoạch lớn là: Quy hoạch vùng du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc; quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Tây T.P Thái Nguyên; quy hoạch Dự án Tổ hợp công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ Yên Bình; quy hoạch phân khu Khu đô thị mới Thịnh Đán. Ngoài ra còn triển khai một số quy hoạch khác mang tầm chiến lược như: Quy hoạch xây dựng 5 cửa ô vào tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch các khu dân cư, đô thị; quy hoạch xây dựng nông thôn mới… Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), lĩnh vực được các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm, đã được tỉnh chú trọng cải thiện. Theo ông Lê Kim Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo công tác GPMB của tỉnh thì, thời gian gần đây, tỉnh đã tập trung cao độ chỉ đạo GPMB, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, trong đó có các dự án vướng mắc, tồn tại lâu ngày. Qua đó, đã tạo bước đột phá mới với khối lượng thực hiện lớn về thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường GPMB, hỗ trợ tiền di dân tái định cư… Minh chứng rõ nét nhất chính là việc tỉnh đã bàn giao 100ha mặt bằng sạch cho Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung đúng tiến độ cam kết. Đây là dự án có thời gian GPMB nhanh nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm này.

 

Tập trung cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng các cơ chế chính sách đầu tư đồng bộ của các ngành, các cấp, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa liên thông cũng là những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Năm 2012, tỉnh đã rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh 10 cơ chế chính sách, quy trình liên quan đến thủ tục đầu tư, trong đó đáng lưu ý là đã chỉnh sửa theo hướng rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ 45 ngày (trước đây) xuống còn 25 ngày (hiện nay). Đối với các dự án vốn FDI, tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi riêng, trong đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài cả về hỗ trợ đầu tư lẫn giá thuê đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất. Trong giải quyết các thủ tục hành chính, hiện tại, toàn tỉnh có 14/19 sở, ngành, 9/9 huyện, thành, thị và 181/181 xã, phường, thị trấn thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Có 3 địa phương là T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công và huyện Định Hóa đã thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết các thủ tục hành chính.

 

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến đổi mới các hoạt động hợp tác đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Đồng thời tỉnh cũng không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, công chức để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

 

Tăng cường hợp tác quốc tế

 

Những năm qua, đặc biệt từ năm 2011 đến nay, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường ngoại giao quốc tế, tỉnh ta đã có mối quan hệ ngày càng thắt chặt với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trên cơ sở đó, tỉnh còn xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực với các tỉnh, thành phố trên thế giới. Hiện tại, tỉnh đã ký văn bản ghi nhớ hợp tác với 6 địa phương nước ngoài, gồm: Thành phố Zweibrucken (Đức), thành phố Forbach (Pháp), thành phố Linkoping (Thụy Điển), thành phố Salo (Phần Lan), tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc) và tỉnh Luông Pha Băng (Lào). Trong đó có 2 địa phương đã ký ở mức độ thỏa thuận hợp tác là tỉnh Gyeongsangbuk-do và tỉnh Luông Pha Băng. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng đang triển khai các thủ tục ký văn bản thỏa thuận hợp tác với 4 tỉnh, thành khác của các quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia và Cadaxtan. Ông Nguyễn Công Việt, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Trong 2 năm 2011, 2012, đã có hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài thuộc nhiều quốc gia đến tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh để nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, tỉnh ta đã đón gần 2.000 đoàn khách quốc tế đến tham quan, du lịch và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên.

 

Như vậy, dòng vốn FDI đổ vào tỉnh đã chính thức được khơi thông. Đây là dấu ấn quan trọng trong việc tạo lực hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, điều này cũng được xem là thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền và nhân dân địa phương khi những đòi hỏi về một môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch.