Phát hiện tồn dư chất kháng sinh, chất cấm trên cá tầm lậu

14:28, 10/07/2013

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa thông báo kết quả kiểm tra 30 mẫu thủy sản (10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá trê, 10 mẫu cá quả) bày bán tại các chợ trên địa bàn Hà Nội để kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, kết quả phân tích, kiểm tra cho thấy, phát hiện 1/10 mẫu cá trê, 2/10 mẫu cá quả và 1/10 mẫu cá tầm có hóa chất và kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy sản. Cụ thể, hai loại kháng sinh bị cấm sử dụng được phát hiện trên 4 mẫu cá là Melatripgreen và Leucomalatripgreen. Hóa chất cấm được phát hiện là Nitrofurans.

 

Theo ông Tiệp, hai loại kháng sinh trên đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007. Loại kháng sinh này dùng để diệt vi khuẩn và chống nấm trên da cá. Trên thế giới cũng đã cấm sử dụng hai loại kháng sinh này từ lâu vì những tác hại của chúng có thể gây ra đối con người như gây nhờn kháng sinh, các bệnh về gan, thận.

 

Ngoài ra, thực hiện chương trình giám sát dư lượng của Bộ NN&PTNT trên thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã lấy các mẫu cá nuôi trong nước như cá tra, cá rô phi, cá quả kiểm tra… thì không phát hiện các loại thuốc kháng sinh cấm nói trên. Như vậy, ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định, cá nuôi trong nước là an toàn cho người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, theo ông Tiệp, các mẫu cá tầm, cá trê, cá quả nói trên không có giấy tờ nên không thể kết luận là cá nhập lậu mà chỉ có thể nói là cá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả các hóa chất, kháng sinh cấm được phát hiện đều là hóa chất chữa bệnh, được người nuôi đưa vào trong quá trình nuôi trồng, không phải hoá chất bảo quản. Trả lời về nghi vấn tồn dư chất tăng trọng trong một số loại thủy sản nhập lậu như cá tầm, cá trê, ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, vì không biết họ sử dụng những chất gì nên không thể kiểm tra ra được.