Ngay sau khi báo Thái Nguyên đăng loạt bài về những khó khăn của ngành chăn nuôi và vấn đề đặt ra của ngành này, trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ (TS) Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những chia sẻ đáng quan tâm.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn mà người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang gặp phải hiện nay?
TS Hoàng Văn Dũng: Đúng là thời điểm gần đây, người chăn nuôi lợn đang chịu sự tác động xấu từ tình trạng giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao, trong khi giá thịt lợn bán ra lại quá thấp. Tuy nhiên, việc giá cả tăng, giảm theo quy luật thị trường thì không đáng lo ngại bằng tình trạng xuất hiện dịch bệnh trong chăn nuôi. Nếu coi giá cả xuống thấp là cơn gió mạnh thì dịch bệnh lây lan phải là trận bão lớn. Còn nhớ năm 2010, dịch bệnh tai xanh trên đàn lợn lan rộng ra cả tỉnh đã khiến người chăn nuôi thực sự điêu đứng. Người tiêu dùng thì ngoảnh mặt với sản phẩm lợn thịt, hệ thống tín dụng ngân hàng phải liên tục cơ cấu lại nợ, nhà quản lý đứng ngồi không yên, còn người chăn nuôi thì ngậm ngùi mang lợn đi tiêu hủy. Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 này, tuy giá lợn thịt xuống thấp, ngành chăn nuôi khó khăn, song cũng đáng mừng là chúng ta hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh.
P.V: Chúng tôi nhận thấy, các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn hiện đang phát triển khá tự do, mạnh ai nấy làm, không theo một quy hoạch nào. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
TS Hoàng Văn Dũng: Đúng là hiện nay, chúng ta chưa có quy hoạch bài bản về chăn nuôi. Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây phát triển rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn, nhưng quy mô lại nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, thiếu tập trung. Trong tổng số 272 trang trại lợn của tỉnh thì đếm trên đầu ngón tay được một số trang trại quy mô từ 500 đến 1.000 con, số còn lại chỉ khoảng 100 đến 150 con. Bên cạnh đó còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ từ 5 con đến vài chục con. Từ thực tế cho thấy, ai cũng có thể tự xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nếu có nhu cầu mà không cần quan tâm là mình có đủ điều kiện hay không. Bởi thế mới có việc cùng nhau chăn nuôi lợn rồi cùng bảo nhau dừng chăn nuôi khi thị trường có biến động.
P.V: Chúng tôi nhận thấy một thực tế là khi gặp khó khăn, người chăn nuôi phản ứng rất chậm hoặc ít có biện pháp để tự bảo vệ mình. Họ đang rất cần một “bà đỡ” là Nhà nước đứng đằng sau, đúng không thưa ông?
TS Hoàng Văn Dũng: Đúng thế, bởi người chăn nuôi còn thiếu rất nhiều điều kiện để tự phòng vệ. Nhưng, có những việc quan trọng mà người chăn nuôi muốn cũng không làm được vì nó thuộc nhiệm vụ và khả năng của bộ máy chính quyền các cấp. Đó là việc lập quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi, tiến tới chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Cụ thể như vùng nào thì có thể quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, vùng nào hạn chế chăn nuôi và vùng nào thì cấm chăn nuôi. Hơn nữa, công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi cũng phải được tăng cường, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người chăn nuôi về phòng trừ dịch bệnh, vệ sinh môi trường, giá cả, thị trường… Có thể thông tin cho người chăn nuôi biết về nhu cầu thị trường, giá vật tư đầu vào để họ cân đối tăng hay giảm chăn nuôi sao cho phù hợp, có thể hạn chế thấp nhất rủi ro. Vấn đề đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học, đổi mới giống, thức ăn chăn nuôi cũng cần được quan tâm. Đối với các doanh nghiệp có trang trại quy mô lớn thì cần khuyến khích để họ tăng cường đầu tư, phát triển thành các chuỗi liên kết từ cung cấp giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần kiểm soát chặt chẽ xem con giống có hợp chuẩn, hợp quy hay không; thức ăn chăn nuôi có đảm bảo chất lượng không; môi trường chăn nuôi có bị ô nhiễm; việc giết mổ gia súc có bài bản, đúng quy định hay không?… Làm được như thế thì người chăn nuôi sẽ vững tin và có điều kiện để phát triển mạnh hơn.
P.V: Ông nhận định thế nào về khả năng phát triển của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thời gian tới?
TS Hoàng Văn Dũng: Tôi cho rằng, cần có cái nhìn mới về ngành chăn nuôi và người chăn nuôi. Thực ra, tôi vẫn thấy lạc quan về tình hình chăn nuôi hiện nay, dù ngành này vẫn chưa hết khó khăn. Tôi lo nhất là dịch bệnh bùng phát và chăn nuôi tăng trưởng “nóng”. Qua theo dõi, tôi thấy người chăn nuôi vẫn là thành phần có thu nhập cao trong toàn ngành Nông nghiệp.
Điều đáng mừng là kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII được tổ chức mới đây đã chính thức thông qua Đề án xây dựng 4 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng đang tính đến việc cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc cho các trường đại học, cao đẳng và các khu, cụm công nghiệp lớn trên địa bàn. Điều đó cũng góp phần đáng kể giúp ngành chăn nuôi có điều kiện phát triển mạnh hơn. Tôi nghĩ, việc một số trang trại chăn nuôi lợn hiện đã bỏ trống chuồng trại, tạm dừng chăn nuôi không phải là chuyện đáng lo ngại lắm. Bởi, có những thời điểm, người chăn nuôi phải biết tự cân đối để có thể tăng đàn, giảm đàn hoặc có thể tạm dừng chăn nuôi để tránh rủi ro lớn...
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!