Đến Hưng Yên, điều làm chúng tôi vui nhất đó là sản phẩm chè của quê hương mình đã thật sự gần gũi và thân thiết với những người dân nơi đây. Minh Huệ, một cô bạn đồng nghiệp ở Báo Hưng Yên chia sẻ: Ở đây, mọi người rất “sính” chè Thái. Chè được dùng trong các ngày lễ, Tết, đám cưới, đám hỏi... Với nhiều người dân, đặc sản chè Thái còn được pha để mời khách quý đến chơi nhà. Hầu hết các cơ quan trong tỉnh cũng mua chè Thái về pha uống hằng ngày.
Như để minh chứng cho lời nói của mình, Minh Huệ đưa chúng tôi dạo quanh phố phường Hưng Yên. Đúng là ở vùng quê này, tìm những cửa hàng có đề biển bán chè Thái Nguyên đặc sản không khó, trong đó, có những cửa hàng rất lớn. Bước vào một cửa hàng bán chè Thái Nguyên ở phường Lê Lợi, T.P Hưng Yên (Hưng Yên), chúng tôi thấy cả một quầy hàng chất đầy những túi chè khoảng 1, 2, 3, 5 lạng màu vàng óng đã được đóng gói, hút chân không. Bà chủ bán chè thấy có khách gọi chạy vội từ trên tầng xuống vui vẻ mời: Các chị muốn mua chè loại nào tôi cũng có. Loại rẻ là 150 nghìn đồng/kg, loại vừa 300-700 nghìn đồng, còn loại đắt là chè nõn, có giá từ 1 đến 2 triệu đồng/kg. Vừa giới thiệu, chị vừa đưa cho chúng tôi xem từng loại sản phẩm… Biết chúng tôi là người Thái Nguyên, chị Nguyễn Thị Hằng, chủ cửa hàng vui lắm. Chị bảo quê ngoại chị ở Thái Nguyên, lúc nhỏ chị vẫn thường sống với bà ngoại. Vì thế, lớn lên, lấy chồng, chị theo nghề kinh doanh chè Thái để có điều kiện gần gũi với bà và anh em, họ hàng ở trên đó.
19 năm kinh doanh chè Thái cũng là từng ấy năm chị Hằng gắn bó với vùng chè Phúc Thuận (Phổ Yên), Quân Chu (Đại Từ).... Hình thức kinh doanh của chị khá đặc biệt: Chị và một người bạn hiện đang sống tại Thái Nguyên đặt mua chè của một số hộ dân có kinh nghiệm sản xuất chè ở Phúc Thuận, Quân Chu… từ khi chè chưa đến lứa hái với giá cao hơn so với các thương lái khác. Khi họ đã chế biến, lấy hương lần 1, chị mới cho đóng vào bao và chuyển về Hưng Yên, lấy hương lần 2 rồi bán cho khách hàng. Chị Hằng cho biết: Để có chè ngon thì ngoài việc sản xuất chè theo hướng an toàn, khâu chế biến cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu không có kinh nghiệm chế biến, nguyên liệu tốt đến mấy thì sản phẩm làm ra cũng không ngon.
5 năm nay, khi nhu cầu sử dụng chè Thái của người dân Hưng Yên tăng lên thì chị Hằng cũng phải mở rộng quy mô kinh doanh. Chị đã phải xây thêm nhà kho và xưởng chế biến chè (lấy hương, đóng gói)… Như năm 2012, gia đình chị đã xuất bán được hơn 10 tấn chè búp khô. Bí quyết để chị ngày có nhiều khách hàng tìm đến đó là người kinh doanh phải có cái tâm, phải cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, không pha trộn với những sản phẩm chè phẩm cấp thấp của các tỉnh khác; không bán các sản phẩm mạo danh chè Thái Nguyên…
Tương tự như chị Hằng, cửa hàng kinh doanh chè Thái của bác Nguyễn Thị Thanh ở phường Hiến Nam, T.P Hưng Yên cũng là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng. Có người em họ làm chè ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) nên chỉ cần gọi điện đặt hàng là bác có sản phẩm chè Trại Cài chính hiệu cung cấp cho khách hàng. Có hơn 30 năm kinh doanh chè Thái nên khách “ruột” của bác khá nhiều. Bác tâm sự: Bảo đảm uy tín, bán giá phải chăng là khách hàng sẽ tìm đến với mình. Lượng chè búp khô mỗi tháng bán ra chỉ khoảng 1-2 tạ, chủ yếu là hàng có phẩm cấp khá (khoảng 250 đến 300 nghìn đồng/kg) nhưng ổn định đã góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình tôi.
Cách không xa cửa hàng kinh doanh chè của bác Thanh là một đại lý chè khá lớn của anh chị Dũng Huệ cũng thuộc phường Hiến Nam. Chỉ kinh doanh loại chè phẩm cấp khá, có giá bán từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg, nhưng anh chị cũng thu hút cho mình một lượng khách hàng lớn với doanh số bán ra mỗi năm lên đến hằng tỷ đồng.
Chè Thái Nguyên thơm, ngon, khi uống chát nơi đầu lưỡi nhưng lại ngọt hậu nơi cuống họng và dư vị ngọt ngào đó vẫn còn lưu lại rất lâu. Tuy nhiên, theo như chị Hằng, bác Thanh, chị Huệ… thì hiện nay không ít người dân làm chè ở Thái Nguyên và các thương lái do hám lợi đã cho các phẩm mầu hoặc hương liệu trộn với chè làm ảnh hưởng đến chất lượng chè Thái Nguyên. Chúng tôi mong những lời góp ý của những người kinh doanh chè ở Hưng Yên đến được với người dân làm chè ở mảnh đất “đệ nhất danh Trà” để mỗi khi sản xuất ra sản phẩm, bà con không chỉ quan tâm đến mẫu mã mà cần quan tâm đến chất lượng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy mới giúp cho chè Thái Nguyên xứng đáng với niềm tin yêu của người tiêu dùng.